Đó là con số vừa được Bộ Công thương cho biết sáng nay (20.1) tại buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), được kiểm toán độc lập dưới sự giám sát của tổ liên bộ về kiểm tra giá điện.
Cụ thể, doanh thu bán điện năm 2015 là hơn 234.000 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân 1.630,96 đồng/kWh.Thu nhập từ các hoạt động liên quan sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015 là gần 2.530 tỉ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện trong năm này EVN lãi hơn 2.132 tỉ đồng.
|
Tuy nhiên, theo kiểm toán độc lập, vẫn còn nhiều khoản phí chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015. Trong đó, đáng kể nhất là khoản chênh lệch tỷ giá lên tới khoảng 8.500 tỉ đồng của các công ty do Công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn. Như: chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ đến hết 31.12.2015 của Tổng công ty truyền tải điện là trên 2.545 tỉ đồng, tại Tổng công ty phát điện 1 cũng xấp xỉ 2.555 tỉ đồng. Nhiều nhất là tại Tổng công ty phát điện 2 với hơn 3.316 tỉ đồng. Tương tự, chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ lũy kế đến hết năm 2015 tại các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN cũng còn khoảng 1.300 tỉ đồng, mà nhiều nhất là khoản 790 tỉ tại nhiệt điện Hải Phòng và 515 tỉ tại nhiệt điện Quảng Ninh.
Ngoài ra, khoản cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM lên tới 580 tỉ trong năm 2015 cũng chưa được hạch toán vào giá điện.
Tại buổi họp công bố, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, tổng khoản chênh lệch tỷ giá trong năm lên tới 9.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản chi phí nhiên liệu (giá dầu và giá khí giảm) lên tới 5.000 tỉ đồng nên bù được gần 50% chi phí tỷ giá tăng. Cùng với đó, nhờ tối đa hóa hiệu quả sản xuất cũng giúp EVN xử lý được thêm 3.500 tỉ đồng. Như vậy, phần chênh lệch tỷ giá tiếp tục xử lý chỉ còn 1.500 tỉ đồng. "Chúng tôi dự kiến xin Chính phủ được xử lý dần trong 5 năm để tránh gây áp lực dồn lên giá điện", ông Tri nói.