Theo báo cáo mới nhất của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) về ngành điện đề cập đến chi phí hàng năm của mảng công suất năng lượng tái tạo mà EVN áp dụng giá FIT cho các công ty con trong 2020.
Cụ thể, giá bán trung bình (ASP) của nguồn điện truyền thống (thủy điện, khí đốt và nhiệt điện than) là 1.169 đồng/kwh. Nếu so sánh FIT với giá bán trung bình, SSI đưa ra hai kịch bản.
Thứ nhất, nếu sử dụng FIT hiện tại, khoản chi phí tăng thêm để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng (tổng cộng 17.700 tỷ đồng bao gồm điện gió).
Trường hợp thứ hai, nếu sử dụng FIT dự thảo (7 cents/kwh), khoản chi phí tăng thêm sẽ thấp hơn ở mức 7.800 tỷ đồng (tổng cộng 10.700 tỷ đồng bao gồm điện gió).
Do đó, SSI Research cho rằng sản lượng phát điện từ nhiệt điện có khả năng bị giảm huy động (tương đương với một số kế hoạch của Nhơn Trạch 2, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Hải Phòng) do một phần sản lượng mới tăng thêm từ nhóm năng lượng tái tạo (điện mặt trời) và nguồn sản lượng dồi dào từ nhóm thủy điện.
Báo cáo này cũng nhận định với mức tăng trưởng tiêu thụ điện trên toàn quốc là 7% so với cùng kỳ, các công ty năng lượng tái tạo sẽ khó có thể hoạt động hết công suất thiết kế.
Ngoài ra, từ cuối năm 2021 và đến năm 2022, hệ thống điện sẽ có thêm công suất từ các dự án điện gió. Tuy nhiên nếu năm 2022 tình hình thuỷ văn kém khả quan hơn năm 2021 thì có thể không xảy ra tình trạng giảm huy động ở các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, do giá FIT đối với năng lượng tái tạo ở mức cao, cùng với giá khí tăng, EVN cần kiểm soát chi phí đầu vào. Do đó, các công ty đang đàm phán lại hợp đồng PPA với EVN có thể gặp khó khăn.
Theo quan điểm của SSI, khả năng EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng dù chưa có quyết định chính thức cho năm 2021.