Thông tin từ Báo điện tử Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận năm 2020, công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi. Riêng lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng hơn 60% so với thực hiện năm 2019.
Tập đoàn nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng. Chỉ tiêu tổn thất điện năng năm 2020 ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (dưới 6,5%).
Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm.Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tăng trưởng cao nhất 6,76%; Tổng công ty Điện lực miền Nam tăng trưởng 3,81% và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội tăng trưởng 2,63%.
Về cơ cấu điện thương phẩm, điện cấp cho lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 3,24%; điện cấp cho quản lý tiêu dùng có mức tăng trưởng 6,72% và điện cấp cho nông nghiệp tăng trưởng 12%. Riêng điện cấp cho lĩnh vực thương mại – khách sạn – nhà hàng, là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID -19, giảm 11,62% so với năm 2019.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện tái tạo là 17.430MW, tăng 11.780 MW so với năm 2019 và chiếm tỷ trọng 25,3%. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so với năm 2019.
Về công tác dịch vụ khách hàng, tính đến nay, EVN đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG). Các dịch vụ điện thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng DVCQG.
Đáng chú ý, EVN đã tiếp nhận trên 547.000 yêu cầu cung cấp dịch vụ điện qua Cổng DVCQG, vượt 13,88% kế hoạch.
Trong năm 2021, Tập đoàn cũng đặt ra các chỉ tiêu điện thương phẩm đạt 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn dưới 6,35. Ngoài ra, EVN dự kiến giá trị đầu tư xây dựng trong năm nay đạt 97.124 tỷ đồng.