CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM) đã công bố báo cáo tài chính quí III/2020 với bức tranh kinh doanh tiếp tục u ám.
Quí III, FTM chỉ đạt chưa tới 5 tỉ đồng doanh thu, giảm tới 99% so với con số 360 tỉ đồng của quí III/2019. Công ty tiếp tục lỗ hơn 49 tỉ đồng trong quí III, ghi nhận là quí lỗ thứ 7 liên tiếp.
Doanh thu thấp nhưng trong kì FTM phải gánh tới gần 22 tỉ đồng chi phí lãi vay, tăng 23% so với cùng kì năm 2019.
Đáng lưu ý, trong quí III khoản chi phí khác của FTM đột biến lên gần 23 tỉ đồng do xuất hiện chi phí dừng sản xuất hơn 22 tỉ đồng. Khoản chi phí dừng sản xuất này từ quí I/2020.
Trước đó, vào khoảng giữa tháng 8 FTM cho biết đang áp dụng biện pháp đảm bảo duy trì sản xuất một nhà máy và bảo trì hai nhà máy để sẵn sàng hoạt động bất cứ lúc nào ngay khi thị trường sợi phục hồi.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FTM đạt gần 45 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 95% so với cùng kì năm 2019. Lỗ sau thuế 9 tháng lên tới 150,5 tỉ đồng, tăng so với con số 43 tỉ đồng của cùng kì năm trước. Tổng lỗ luỹ kế tại ngày 30/9 là 147 tỉ đồng.
Năm 2020, FTM đặt mục tiêu 799 tỉ đồng doanh thu, gần 5 tỉ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, FTM mới chỉ thực hiện được chưa tới 6% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của FTM đạt 1.514 tỉ đồng, giảm 29 tỉ đồng so với con số đầu quí. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới một nửa tài sản là gần 770 tỉ đồng. Vốn lưu động của FTM tại ngày 30/9 âm 50 tỉ đồng.
Tổng nợ đi vay của FTM cuối quí III là 809 tỉ đồng và không đổi so với con số đầu quí. Khoản nợ này đều là từ ngân hàng và gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Theo thuyết minh thì trong quí III, FTM chỉ trả được khoảng 1,7 tỉ đồng tiền nợ đi vay.
Tại ngày 30/9, tổng chi phí lãi vay phải trả của FTM cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Thái Bình và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là hơn 296 tỉ đồng. Các chi phí lãi vay phải trả này phát sinh từ năm 2014 và sẽ được trả dần tới năm 2023, 2025.