Với hơn 4.200 cửa hàng trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hơn 40 cửa hàng tại Việt Nam), chuỗi Miniso vừa trải qua một đợt IPO tương đối thành công trên đất Mỹ. Số vốn huy động được sẽ tiếp tục dùng để mở rộng qui mô chuỗi.
Bất chấp những cáo buộc liên quan tới hàng Trung Quốc "nhái Nhật", Miniso vẫn là một trong những chuỗi cửa hàng tăng trưởng với tốc độ nhanh bậc nhất.
"Lợi thế cạnh tranh của công ty là loại bỏ các sản phẩm đắt tiền, đồng thời liên tục cập nhật những sản phẩm mới", ông Diệp Quốc Phú, giám đốc và nhà sáng lập Miniso phát biểu trong một sự kiện tổ chức tại trụ sở công ty sau đợt IPO cực kì thành công.
Giá cổ phiếu Miniso niêm yết trên sàn chứng khoán New York giờ đã cao hơn mức giá mà công ty chào bán, đưa vốn hóa Miniso chạm mốc 7 tỉ USD. Tổng số tiền mà Miniso huy động là 600 triệu USD, và dự kiến sẽ là bàn đạp để chuỗi phát triển hậu dịch.
Ở Trung Quốc, Miniso là một trong những chuỗi bán đồ tổng hợp "rẻ" nhất. Nhiều mặt hàng của Miniso chỉ có giá khoảng 1,5 USD. Tổng nhân lực của Minio tại Trung Quôc là 3.000 người.
Các mặt hàng của Miniso tập trung ở 11 ngành chính, bao gồm văn phòng phẩm, đồ chơi, mĩ phẩm và bánh kẹo. Theo thống kê, 95% các sản phẩm tại Miniso có giá dưới 7,5 USD.
Ra đời năm 2013 tại Quảng Châu, Miniso chỉ mất 5 năm để xây dựng 1.000 cửa hàng bên ngoài Trung Quốc. Cùng năm 2018, Miniso gọi vốn thành công 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD) từ Tencent và các nhà đầu tư khác. Hiện tại, Tencent nắm 4,8% cổ phần của Miniso.
Miniso luôn tự coi bản thân là một "thương hiệu Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ Nhật Bản". Logo chữ đỏ trong khung vuông cũng tương đối giống với một thương hiệu bán lẻ quần áo khác của Nhật là Uniqlo.
Theo Nikkei, nhiều thông tin cho rằng ông Diệp thường xuyên qua lại Nhật Bản và có niềm đam mê với đất nước này. Những lần thăm thú đó khiến ông nhận thấy nhiều sản phẩm Trung Quốc bán tại Nhật, và đây là lí do ông quyết định khởi nghiệp với Miniso.
7 năm từ ngày ra mắt, Miniso có 2.533 cửa hàng ở Trung Quốc và 1.689 ở nước ngoài, bao gồm Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn cửa hàng trong chuỗi ra đời theo hình thức nhượng quyền. Tại Việt Nam, Miniso đã xuất hiện từ năm 2016 nhưng hai năm sau đó, Miniso Việt Nam đã chuyển giao quyền điều hành cho đội ngũ nhân sự từ Trung Quốc.
Công ty đang có dấu hiệu chững lại về qui mô sau đại dịch. Tuy nhiên, với số vốn mới, ông Diệp kì vọng ông sẽ xây dựng Miniso thành chuỗi với 10.000 cửa hàng toàn cầu, đưa thương hiệu trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Những chỉ số tài chính của Miniso cũng không quá ấn tượng. Doanh thu năm 2019 đã giảm nhẹ 4,5% xuống còn 1,337 tỉ USD. Trong khi đó, báo cáo tài chính của công ty cho biết Miniso đang lỗ ròng trong hai năm vừa qua. Nguyên nhân đến từ việc chi phí mở cửa hàng mới đang có xu hướng gia tăng.
Nikkei dẫn báo cáo từ một công ty chứng khoán Trung Quốc cho thấy tỉ suất lợi nhuận gộp của Miniso thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Không những thế, Miniso còn đang vướng vào nhiều vụ việc về sản phẩm. Một loại sơn móng tay của công ty chứa chất gây ung thư gấp 1.400 lần qui định của cơ quan chức năng Trung Quốc cho phép. Giới truyền thông địa phương cũng tiết lộ Miniso vướng vào 10 vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Nguồn gốc thương hiệu Miniso cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trang web của Miniso Nhật Bản tuyên bố thương hiệu được ông Diệp và một nhà thiết kế Nhật Bản là Junya Miyake đồng sáng lập. Hai người đã kinh doanh tại Tokyo trước khi đưa thương hiệu về Trung Quốc.
Lời giải thích ấy lại mâu thuẫn với thông tin công bố từ chính Miniso Trung Quốc. Công ty tuyên bố họ sẽ sửa những "thông tin không chính xác" trên hệ thống website của.
Trước những cáo buộc liên quan đến việc "nhái" Uniqlo, Muji và Daiso, Miniso tuyên bố: "Chúng tôi tôn trọng những thương hiệu đó, song công ty đang có 11 dòng sản phẩm, không hề trùng lặp với họ".