Gần 1.500 tỷ đồng đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên, hoàn thành vào quý III/2023

Sân bay Điện Biên được đầu tư 1.467 tỷ đồng để mở rộng đường băng, sân đỗ, đón các máy bay lớn như A320 và tương đương.

Theo Báo Điện tử Chính phủ, sáng 22/1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên, sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta thời điểm hiện tại.

Cảng hàng không tại Điện Biên cách Hà Nội khoảng 500 km về phía tây, hiện có nhà ga hành khách quy mô nhỏ, chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu ngắn (1.830 m), chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu bay cỡ nhỏ như ATR-72 và tương đương.

Gần 1.500 tỷ đồng đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên, hoàn thành vào quý III/2023 - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay Điện Biên mở rộng. (Ảnh: ACV).

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321. Nâng cấp nhà ga đáp ứng các tiêu chuẩn, công suất giai đoạn I từ 500.000 đến 1 triệu khách/năm.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư là ACV, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng huy động tối đa nguồn lực, khẩn trương xây dựng dự án, bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ dự án.

UBND tỉnh Điện Biên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng, tư vấn trong quá trình triển khai dự án, nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời các thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành, khai thác.

"Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch, xây dựng các dự án phát triển hạ tầng bảo đảm đồng bộ, thuận lợi cho các doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên Phủ", Phó Thủ tướng nói.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.