Vừa đi xe máy vừa tham gia té nước dễ gây nguy hiểm. Ảnh: AFP |
So với cùng kỳ năm ngoái, số người chết đã giảm gần 17% nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông lại tăng nhanh. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn trong dịp lễ hội là lái xe trong tình trạng say rượu (1.589 trường hợp), tiếp đến là 1.028 trường hợp lái xe vượt tốc độ và 547 trường hợp là do những nguyên nhân khác.
Các nhà chức trách đã thu giữ 6.544 phương tiện do tài xế đang trong tình trạng say xỉn. Trong khi đó, mùa lễ hội năm ngoái số phương tiện bị bắt giữ là 4.609 và khoảng 75,7% là xe máy, theo Tân Hoa xã.
Chính phủ Thái Lan đã liên tục triển khai các biện pháp an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội, tuy nhiên nhiều vụ việc đau thương vẫn xảy ra. Năm 2016, nhóm thanh niên Thái Lan tấn công rất nhiều khách nước ngoài khiến họ phải nhập viện. Nhiều vụ tấn công, lạm dụng tình dục cũng gia tăng.
Năm 2017, ước tính nửa triệu du khách từ khắp thế giới đổ về tham dự lễ hội té nước Songkran. Không phủ nhận, lễ hội có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhưng các quan chức địa phương luôn phải đối mặt với những áp lực khi chứng kiến số lượng đông đảo người tham gia bị thiệt mạng và bị thương.
Songkran là ngày lễ cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch, tương ứng với 13-15/4 dương lịch. Theo quan niệm của người Thái, té nước vào người khác mang giúp họ gột rửa những điều chưa tốt của năm cũ, đón nhận may mắn trong năm mới. Trước đây, nước dùng để té phải có mùi thơm và chỉ té vào người các thành viên trong gia đình hay bạn bè.
Ngày nay, hoạt động này cũng mở rộng thành lễ hội cho các du khách từ khắp nơi tham dự. Ai được té nước lên người càng nhiều càng gặp may mắn. Ngày lễ Songkran có nét giống Lào và Campuchia, tuy nhiên mỗi nước lại có những nghi lễ khác nhau