Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh từng nhóm người đứng chỉ trỏ, trao đổi ở những khu đất trống dọc những con đường ven núi hay trung tâm Côn Đảo.
Anh Tú, cư dân cố cựu trên đảo cho hay, từ cuối năm ngoái, đất ở Côn Đảo trở nên đắt đỏ và tạo thành cơn sốt khi những người ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Giới đầu cơ, "cò" xuất hiện đẩy giá đất tăng từng ngày.
Đất ở khu vực chợ Côn Đảo đang có giá vài chục triệu đồng một m2. Ảnh: Phương Nguyễn. |
"Đất ở các con đường ven núi, đa phần là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi sang đất thổ cư hoặc thổ cư một phần nhỏ, năm trước giá 1-2 triệu đồng một m2 thì giờ đã tăng lên sáu bảy lần tùy vào vị trí", anh Tú - nói.
Khu đất hơn 2.000 m2, có 300 mét vuông đất thổ cư nằm ven sườn núi cách trung tâm huyện 2 km của ông Thanh mua từ nhiều năm trước với giá chưa tới một tỷ đồng. Đến năm ngoái, một nhà đầu tư ở TP HCM tìm đến trả giá 3 tỷ, ông lưỡng lự rồi quyết định không bán.
"Vừa mới rao được vài hôm đã có người xem đất, trả giá 8 tỷ, cọc ngay nhưng tôi không đồng ý. Theo giá thị trường đất ở đảo bây giờ, phải 10 tỷ trở lên tôi mới sang tên", ông Thanh cho hay.
Còn tại các trục đường chính như Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Huệ, giá đất tăng cao từ 50-70 triệu đồng một mét vuông và chưa có dấu hiệu dừng lại. Một người đàn ông tiếc nuối cho biết, ông bán mảnh đất 100 m2 ở đường Phạm Văn Đồng giá hơn 3 tỷ đồng cho cặp vợ chồng Việt kiều Pháp lấy tiền đầu tư dịch vụ du lịch và 9 tháng sau, mảnh đất được chào mua hơn 6 tỷ nhưng chủ đất vẫn chưa chịu bán.
Một mảnh đất trên đường Phạm Văn Đồng được rao bán 70 triệu đồng một m2. Ảnh: Phương Nguyễn. |
"Bây giờ, đất ở những vị trí đắc địa có giá rất cao nhưng cung không đủ cầu", người này nói và cho biết, một mảnh đất 200 mét vuông mặt tiền đường Trần Phú vừa mới giao dịch thành công cách đây ít hôm có giá lên đến 16 tỷ đồng.
Ghi nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Côn Đảo, 3 tháng đầu năm tiếp nhận gần 100 hồ sơ giao dịch, tăng mạnh so với trước.
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, thời gian qua, giao thông bằng đường biển nối đất liền thông suốt nên lượng khách du lịch nghỉ dưỡng đến Côn Đảo tăng cao. Bình quân mỗi ngày có khoảng gần 2.000 khách.
Nhìn thấy được tiềm năng, nhà đầu tư đổ xô đến mua đất xây nhà hàng, khách sạn, homestay, nhà trọ... trong khi quỹ đất ít dẫn đến mất cân bằng và khiến Côn Đảo rơi vào cơn sốt. "Chúng tôi ghi nhận trên hồ sơ giao dịch mua bán đất giá cao nhất 40 triệu đồng một mét vuông nhưng thực tế giá mua bán cao hơn rất nhiều", ông Nhựt nói.
Hiện UBND huyện Côn Đảo tạm thời không cấp phép xây dựng mới nhà hàng, khách sạn. "Huyện sẽ họp quán triệt nhằm quản lý chặt quy hoạch, quy định về đất đai để tránh tình trạng chuyển nhượng, xây dựng trái pháp luật chứ không thể cấm người dân bán đất, cũng không thể cấm nhà đầu tư xây dựng hợp pháp được", ông Nhựt cho hay.
Theo những người làm du lịch ở Côn Đảo, tình trạng phát triển du lịch ồ ạt như hiện nay, tương lai gần sẽ lặp lại tình trạng bão hòa và bỏ phế như đã từng xảy ra ở các địa phương khác. Bởi phát triển du lịch thời vụ như hiện nay không đồng đều, thiếu kế hoạch và định hướng cũng như ý thức sẽ là những yếu tố bóp chết các điểm du lịch.
XEM THÊM
‘Cò’ đất lúng túng khi Khánh Hòa tạm dừng giải quyết thủ tục đất đai ở Bắc Vân Phong
Mọi giao dịch đất đai tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) – nơi được chọn làm dự án đặc khu Bắc Vân Phong bị chững ... |
Sốt giá đất nền khu đô thị mới Cần Thơ
Đất nền tại các dự án ở Tp.Cần Thơ liên tục tăng giá, đa phần người mua từ nơi khác đến, còn giới đầu tư ... |
Chống sốt đất, Khánh Hòa tạm dừng giao dịch đất đặc khu Bắc Vân Phong
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách ... |