Giá đất ngoại thành ‘nhảy múa’ trước thông tin Hà Nội đề xuất đưa 4 huyện lên quận

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 đang khiến giá đất “nhảy múa”; trong khi người dân cho hay, nhu cầu mua đất tại các địa phương này không tăng cao như môi giới quảng cáo.

Giá đất nền tăng chóng mặt tại 4 huyện ngoại thành 

Trước thông tin được lên quận vào năm 2020, giá đất tại các xã Lệ Chi, Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang được các "cò" đất thổi lên tới 38 - 45 triệu đồng/m2; trong khi đầu năm 2018, giá đất nền tại đây chỉ dao động ở mức 32 - 36 triệu đồng/m2. 

Giá đất ngoại thành ‘nhảy múa’ trước thông tin Hà Nội đề xuất đưa 4 huyện lên quận - Ảnh 1.

Huyện Gia Lâm là nơi đang có giá đất tăng kỉ lục sau hai tháng Tết. (Ảnh: MĐ).

Đất mặt tiền tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cũng đang được chào bán ở mức 25 - 32 triệu đồng/m2 trong khi đầu năm 2019, giá đất dao động từ 20 - 23 triệu đồng/m2. Tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, đất mặt đường cũng đang chào bán từ 22 - 25 triệu đồng/m2 trong khi năm trước, giá đất ở đây dao động trong khoảng 17 - 20 triệu đồng/m2….

Trước việc giá đất tăng chóng mặt sau Tết, ông Nguyễn Đình Đạc (đường Đào Nguyên A, huyện Gia Lâm) có hai lô đất tại Đa Tốn, Gia Lâm cho biết, khi dự án VinCity Gia Lâm khởi công cùng với thông tin huyện sẽ được lên quận, giá đất được đẩy lên cao so với trước đó.

"Nhiều người làm môi giới bất động sản cũng đến để đề cập tới việc bán đất cho gia đình nhưng đã mấy tháng nay không có người đến hỏi mua dù đất được quảng cáo là ở cạnh nhiều dự án lớn", ông Đạc nói.

Giá đất tại các xã Bắc Hồng, Nam Hồng (huyện Đông Anh) cũng tăng chóng mặt sau thông tin huyện này sẽ được lên quận vào năm 2020. Năm trước, giá đất tại hai xã này dao động ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2. Hai tháng sau Tết Nguyên đán, nhiều "cò" đất đã đẩy giá gần gấp đôi lên 30 - 34 triệu đồng/m2.

Có khoảng 300m2 đất cần bán gấp, chị Nguyễn Hồng Diễm (xã Hồng Liên, Đông Anh) cho hay: "Sau khi địa phương xây dựng thêm một số khu công nghiệp và mới đây nhất là thông tin Đông Anh được lên quận, giá đất được đồn thổi tăng gấp đôi, gấp ba so với giá năm 2018. Tuy nhiên, tôi đã rao bán hai lô đất từ mấy tháng  nay với giá từ 16 - 18 triệu đồng/m2 mà vẫn chưa có ai đến xem".

Tại Hoài Đức, giá đất nền có dấu hiệu tăng đột biến khi các lô được chào bán ở An Khánh dao động ở ngưỡng 20 - 30 triệu đồng/m2, chủ yếu là đất trong ngõ. Một số lô đất cạnh các trục đường dự án có giá lên đến 40 -50 triệu đồng/m2. Theo các chuyên viên tư vấn bất động sản, giá đất nền đã tăng 50 - 70% so với thời điểm chưa có thông tin Hoài Đức lên quận.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Kỷ - chuyên viên tư vấn bất động sản tại khu đô thị Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, nhiều lô đất biệt thự, nhà liền kề tại đây đang được rao bán 27 - 30 triệu đồng/m2 từ sau Tết Kỷ Hợi. Trong khi đầu năm 2018, giá đất tại khu đô thị này chỉ dao động 15 - 18 triệu/m2 và rất ít giao dịch.

Sáng suốt để tránh tình trạng đất sốt "ảo"

Trao đổi về vấn đề giá đất tại 4 huyện ngoại thành tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thông tin các địa phương được từ huyện được lên quận sẽ làm biến động giá đất. Tuy nhiên, về bản chất, biến động tăng chỉ nằm trong phạm vi vài % chứ không tăng vọt. "Giá đất sẽ tăng khi có đầu tư và phải tỉ lệ với kế hoạch đầu tư thực tế", ông Đính nói.

Ông Đính cũng nhận đinh, ngoài định hướng về qui hoạch, kế hoạch phát triển; các địa phương phải có sự đầu tư phát triển vào hệ thống hạ tầng đô thị, kĩ thuật , dịch vụ,… cùng với các dự án phát triển đi kèm để đảm bảo cho việc phát triển đồng bộ, ổn định giá đất tại khu vực này.

Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dẫn chứng, Hoài Đức là một trong những huyện đã có qui hoạch, các kế hoạch qui hoạch trước khi có thông tin lên quận nhưng sau đó lại không đầu tư thêm. Các dự án chạy trước tại Hoài Đức với nhiều tên tuổi nhà đầu tư uy tín vẫn ế ẩm sau nhiều năm hoàn thiện do không có điều kiện phát triển đi kèm.

Tương tự Hoài Đức, ông Đính đánh giá Đông Anh là một trong những huyện có qui hoạch tốt, định hướng nâng lên thành đô thị song vẫn đang trong quá trình qui hoạch nhưng đã diễn ra tình trạng đất sốt "ảo".

"Có một thực tế, nhiều thôn, xã tại huyện Đông Anh đang chào bán đất với giá lên tới 180 triệu đồng/m2 trong khi những địa bàn đầu tư bài bản như Mỹ Đình, Nam Trung Yên,… đã được thụ hưởng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giá đất cũng chỉ dao động ở mức tương tự".

Dẫn chứng của ông Nguyễn Văn Đính chỉ ra thực tế, nhiều địa phương chưa được đầu tư những đã thổi giá đất tương xứng với các dự án đã đầu tư, hoàn thiện. "Rõ ràng, giá đất đang là sốt ảo khi giá của những dự án đã đầu tư hoàn chỉnh so với đang đầu tư là gần ngang nhau", ông Đính nói.

Ông Đính cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư trong việc mua đất ngoại thành giữa cơn sốt tăng giá. Theo đó, người mua nên xác định giá trên cơ sở đầu tư thực tế.

"Đồng thời, phải đánh giá đầu tư của cả hệ thống dự án, năng lực của dự án, đối tượng tham gia mua bán là ai? Nếu không thấy bóng dáng những người có nhu cầu sử dụng ở dài hạn mà chỉ nhà đầu tư ngắn hạn và đầu cơ tham gia thì không nên mua", ông Đính khẳng định.

Đà Nẵng chỉ đạo tháo dỡ các ki ốt bán bất động sản làm mất mĩ quan đô thịĐà Nẵng chỉ đạo tháo dỡ các ki ốt bán bất động sản làm mất mĩ quan đô thị Rủi ro pháp lí có thể giảm nhiệt bất động sản năm Kỷ HợiRủi ro pháp lí có thể giảm nhiệt bất động sản năm Kỷ Hợi Những dự án bất động sản đình đám thất bại trên thế giớiNhững dự án bất động sản đình đám thất bại trên thế giới



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.