Gia Lai sẽ có hai nhà máy điện gió 3.600 tỉ đồng vào năm 2021

Cả hai dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm với doanh thu hơn 627,6 tỉ đồng/năm.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Gia Lai sáng 24/9, dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên chính thức động thổ. 

Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi có vùng hiệu suất gió 654 ha, công suất 50 MW, còn dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên có vùng hiệu suất gió 464 ha, công suất 50 MW. 

Hai dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỉ đồng, được triển khai tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), do liên danh Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. 

Dự kiến, cả hai dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm; doanh thu hơn 627,6 tỉ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỉ đồng/năm.

Gia Lai dự kiến có thêm hai nhà máy điện gió trị giá 3.600 tỉ đồng vào năm 2021 - Ảnh 1.

Mô hình dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi theo bản thuyết minh. (Ảnh: CTTĐT Gia Lai/Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai).

Bà Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai, cho biết: “Hai dự án phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung và chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng.

Đồng thời, hai dự án giúp thúc đẩy việc xây dựng các công trình năng lượng tái tạo nhằm khai thác nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận, hạn chế phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Chúng tôi mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương cũng như tạo việc làm cho lao động tại chỗ”.

Xã Bàu Cạn có tiềm năng gió khá tốt với vận tốc gió 5,6-7 m/s tại độ cao 100 m; đồng thời có lợi thế về giao thông thuận tiện, khối lượng đấu nối lưới điện ít, cách xa khu dân cư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thuận lợi. 

Theo đó, khi triển khai thi công dự án và đưa nhà máy vào hoạt động sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái khu vực. Mặt khác, các turbine gió sẽ tạo một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch địa phương và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo thông tin từ nhà đầu tư, Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên được xây dựng gần lưới điện hiện có và qui hoạch trong tương lai nên thuận lợi đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia.

Cụ thể, tại vị trí dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng trạm nâng áp 35/110 kV-2x63 MVA, xây dựng mới đường dây 110 kV, mạch kép, sử dụng dây dẫn phân pha 2xAC185 mm2, từ trạm biến áp 35/110kV; nhà máy điện gió sẽ đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 110 kV Diên Hồng - Chư Sê với chiều dài tuyến đường dây khoảng 5,2 km. 

Lưới điện đấu nối hoàn toàn phù hợp với lưới điện 110 kV, 220 kV khu vực theo Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.

Hiện Gia Lai có 67 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào qui hoạch với tổng công suất dự kiến 4.048,4 MW.

Trong đó có 14 dự án vừa được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào qui hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, 21 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để đề nghị bổ sung qui hoạch.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.