Mới đây, trong thông báo mới phát đi từ Công an (CA) tỉnh Quảng Ninh về trường hợp Bùi Phương Thảo, sinh năm 1974, cư trú tại P Bãi Cháy – TP Hạ Long – Quảng Ninh trong thời gian là thủ quỹ của một ngân hàng có chi nhánh Quảng Ninh đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh, sau đó cho các cá nhân khác vay lại và đến nay không có khả năng chi trả.
Ngay sau đó, CA tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với Bùi Phương Thảo, để tiến hành điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý để hợp thức và tạo niềm tin của mình với các nạn nhân cho vay tiền Bùi Phương Thảo đã dùng con dấu “đã thu tiền” của văn phòng giao dịch đóng lên các giấy vay nợ.
Dưới góc độ pháp lý, con dấu tròn và con dấu vuông, con dấu nào có giá trị pháp lý, con dấu tròn được sử dụng khi nào? Và con dấu vuông được dùng trong trường hợp nào?
Giấy biên nhận mà Bùi Phương Thảo giao cho nạn nhân, ngoài chữ ký của Thảo còn có dấu đỏ ghi “Đã Thu Tiền” - Ảnh: Dân Việt. |
Bài viết sau đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về giá trị pháp lý của các loại con dấu này, cũng như trường hợp nào sử dụng con dấu tròn, trường hợp nào sử dụng con dấu vuông.
Theo đó, con dấu doanh nghiệp (trong đó có ngân hàng) là dấu hiệu đặc biệt, không trùng lặp, nhằm phân biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Có thể nói, con dấu là một trong những tài sản quý giá của doanh nghiệp, bởi theo tập quán giao dịch các văn bản, hợp đồng của doanh nghiệp chỉ có giá trị pháp lý khi nó được đóng dấu. Tuy nhiên, giá trị của con dấu hiện nay không còn rõ nét như trước, bởi từ ngày 1/7/2015, khi Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, thì doanh nghiệp được quyền quyết định số lượng con dấu (nghĩa là doanh nghiệp có quyền có nhiều hơn 01 con dấu).
Trước ngày 1/7/2015, việc sử dụng con dấu phải tuân theo Luật doanh nghiệp 2005, nghĩa là hình thức và nội dung con dấu phải theo quy định của Chính phủ (Nghị định 58/2001/NĐ-CP và Thông tư 21/2012/TT-BCA)
Tại các văn bản hướng dẫn về mẫu con dấu này, thì con dấu doanh nghiệp phải là con dấu tròn. Mẫu con dấu tròn này phải tuân thủ theo quy định tại các văn bản này mới có giá trị pháp lý.
Từ sau ngày 1/7/2015, việc sử dụng con dấu thực hiện theo Luật doanh nghiệp 2014, nghĩa là hình thức và nội dung, số lượng con dấu do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải đảm bảo các nội dung về tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Trước khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, trong Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014 cũng có quy định về số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện được các thông tin: tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
- Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
- Số lượng con dấu.
- Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Như vậy, đồng nghĩa rằng, từ ngày 1/7/2015, con dấu doanh nghiệp dù là con dấu tròn hoặc con dấu vuông đều có giá trị pháp lý nếu doanh nghiệp có làm thủ tục thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Một số lưu ý đối với việc quản lý sử dụng con dấu cho các doanh nghiệp đã thành lập trước 1/7/2015
- Trường hợp tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp thì không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký. Trường hợp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.
Trong cả 2 trường hợp này, chỉ có con dấu tròn mới có giá trị pháp lý.
- Trường hợp làm mới con dấu theo quy định mới của Luật doanh nghiệp 2014 thì phải nộp lại con dấu cũ và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
Trong trường hợp này, con dấu mới được làm là dấu tròn hay dấu vuông đều có giá trị pháp lý.
- Trường hợp bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định mới, đồng thời phải thông báo việc mất này cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận mẫu con dấu.
Trong trường hợp này, con dấu mới được làm là dấu tròn hay dấu vuông đều có giá trị pháp lý.
Theo đó, con dấu 'đã thu tiền' không có giá trị pháp lý trong các giao dịch.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận