Giảng viên sư phạm kiến nghị Bộ trưởng coi trọng giáo dục mầm non

'Giáo dục mầm non vẫn chỉ được coi là kém vế nhất so với các bậc học khác. Đáng lo ngại là điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức'. 

Từ kinh nghiệm làm phụ huynh

Tôi có 2 cháu, cháu lớn năm nay sẽ bước vào lớp 6 của một trường phổ thông công lập khá có tiếng của Hà Nội, cháu nhỏ đang học mầm non.

Cũng như các phụ huynh có con đang đi học khác, việc nuôi dạy, giáo dục các cháu trong gia đình chúng tôi cũng có nhiều vất vả. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng việc này trong gia đình tôi có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều gia đình khác.

Tôi xin chia sẻ một chút về cách giáo dục con tôi với mọi người.

giang vien su pham kien nghi bo truong coi trong giao duc mam non
Trường mầm non Mầm Xanh, nơi vừa xảy ra vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận. Ảnh Văn Dũng

Ngay từ khi cháu còn nhỏ, vợ chồng chúng tôi đã rèn cho cháu tính tự chủ thông qua những việc như quét nhà, nhặt rau, vệ sinh cá nhân; chơi với bạn như thế nào; rèn tính tự học, ham học qua việc đọc truyện cho con, khuyến khích con kể chuyện, nghe nhạc; rèn cháu lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch…

Đặc biệt chúng tôi tuyệt đối tôn trọng con, luôn coi con là người bạn; tuyệt đối không phải nhận những lời trách mắng từ bố mẹ; ít khi chúng tôi nói với con “phải làm thế này” mà chúng tôi thường thay bằng từ “nên làm thế này” khi thấy con sai. Với chúng tôi thì đúng là “trẻ em như búp trên cành; biết ăn, biết ngủ, biết…chơi là được rồi” – hoàn toàn không đòi hỏi gì cao siêu ở đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Quan điểm này càng được củng cố khi chúng tôi có một người bạn du học Pháp về chia sẻ: Ở Pháp, thời học phổ thông thì HS học như chơi, rất thoải mái; nhưng khi học đại học hoặc trên đại học thì học viên phải học ra học, thậm chí “học chết thôi” – từ anh bạn chúng tôi dùng. Chúng ta thì lại đi ngược xu thế: HS chuẩn bị vào lớp Một có khi lại vất vả hơn sinh viên đại học – thật là vô lý!

Với mong muốn cháu không bị đánh cắp mất tuổi thơ tuyệt vời của mình, được là chính mình, được phát triển để thành “người cháu có thể trở thành”, chúng tôi cố gắng cho cháu vui chơi thỏa thích ngay từ khi còn nhỏ.

Khi được giáo dục như vậy thì cháu đã có tính tự chủ rất tốt: tự hoc, tự giải quyết vấn đề… (từ rất sớm so với các bạn cùng trang lứa).

Kết quả là khi vào tiểu học, cháu đã tự học rất tốt, tự làm bài tập ở nhà khi thày cô giao bài; khi gặp vấn đề gì khó khăn về toán, văn… thì tự tìm hiểu từ nhiều nguồn. Dù không đi học thêm, hoàn toàn là tự học nhưng năm vừa rồi cháu đã được thày cô chọn vào đội tuyển Toán của trường, với 7 học sinh/hơn 1.000 học sinh của khối.

Hóa ra để con là người có đạo đức, học tốt cũng không đến mức là quá khó khăn lắm, hoàn toàn có thể làm được.

Ngoài chuyện chăm sóc con cái hợp lý ngay từ lúc còn trong bụng mẹ thì khi cháu đi học mầm non – là giai đoạn vàng đặt nền móng cho sự phát triển của con người sau này.

Trường hợp bố mẹ ít hiểu biết hoặc bố mẹ bận rộn thì lúc đó các thầy cô giáo mầm non sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng.

Đến góc nhìn của một giảng viên sư phạm mầm non

Với công việc của mình, tôi biết được chủ trương của Nhà nước là rất coi trọng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là chủ trương, chủ trương, …mà thôi.

Giáo dục mầm non vẫn chỉ được coi là kém vế nhất so với các bậc học khác. Đáng lo ngại là điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Nhiều khi nhận là sinh viên hay giáo viên mầm non thì lai ngại ngùng thay vì phải tự hào mới đúng.

giang vien su pham kien nghi bo truong coi trong giao duc mam non

Nhưng điều tồi tệ vẫn chưa dừng ở đó, mà là gần như là kém nhất của Sư phạm thì mới vào mầm non. Lẽ ra, giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng phải là ngành “hot” nhất mới phải (giống như nền giáo dục của Phần Lan – nơi khai sinh ra thương hiệu Nokia huyền thoại).

Nhưng như thế vẫn chưa tồi tệ bằng việc: Nhiều giáo viên mầm non chỉ là tay ngang, hoàn toàn không có nghiệp vụ.

Hậu quả có thể nhìn thấy ngay của việc không coi trọng giáo dục mầm non chúng ta có thể cảm nhận được qua những vụ bạo hành vừa qua. E rằng vẫn với chính sách này thì những vụ bạo hành như thế, thậm chí là khủng khiếp hơn nữa sẽ còn nối dài.

Giáo viên mầm non cần phải đọc nhiều, hiểu rộng nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để áp dụng vào trong công việc của mình. Bởi vì chỉ khi có sự hiểu biết sâu rộng và có tư cách đạo đức tốt thì người mới có thể truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất hoặc khơi gợi thúc đẩy tiềm năng của trẻ.

Thay cho lời cuối của bài viết này, với tư cách là một phụ huynh, và một giảng viên của một trường sư phạm mầm non, tôi thiết tha đề nghị ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần coi trọng đặc biệt hơn nữa tới giáo dục mầm non.

Dĩ nhiên là để thay đổi một điều mà đã ăn sâu trong tiềm thức là rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm và không thể vì điều này là rất quan trọng cho sự phát triển nền giáo dục của đất nước.

Từ sự lưu ý này, tôi tin ông cùng cộng sự sẽ có những giải pháp hợp lý vì “bắt đầu bằng suy nghĩ, sau đó sẽ là hành động…” . Chẳng hạn như: tuyển những thí sinh giỏi; đãi ngộ cao nhất đối với giáo viên mầm non.

Nguyễn Cẩm Giang (Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương)

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.