Vào nhà nước không phải con đường duy nhất
Nhắc đến chuyện mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, vào ngày 26/3 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói với học sinh trường trung học phổ thông Yên Phong 1 (tỉnh Bắc Ninh) rằng: “Các bạn đừng nghĩ đến chuyện học đại học rồi phải xin việc vào nhà nước.
Ở Viện nghiên cứu của tôi, lương tiến sĩ từ nước ngoài về, trong đó có lương con gái tôi, khởi điểm là 3,5 triệu đồng một tháng (hiện nay là 3,9 triệu đồng). Lương cử nhân còn thấp hơn nữa”.
Tuy nhiên, để có trong tay một việc làm tốt thì theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, thế hệ trẻ cần nắm vững hai loại “vũ khí” để thành công. Đó là ngoại ngữ và tin học. Với những bạn trẻ có ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói sẵn sàng giúp đỡ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu cùng toàn thể học sinh, giáo viên trường trung học phổ thông Yên Phong 1 (tỉnh Bắc Ninh) (Ảnh: Thùy Linh) |
Ngay trong buổi nói chuyện với học sinh Yên Phong 1, vị Giáo sư này đưa ra bí quyết khởi nghiệp và trở thành người thành công. Chân dung người làm giàu đầu tiên được Giáo sư nhắc đến chính là nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ). Anh đã giúp nhiều người dân thoát nghèo từ mô hình trồng bơ xen cà phê.
Xuất phát từ đứa trẻ bỏ học, trốn nhà tìm đường thoát nghèo, anh bén “duyên” với bơ khi là người làm thuê, đi thu gom quả cho thương lái. Phát hiện những cây cho ra quả ngon, giá cao, anh nghĩ đến chuyện chiết cành từ những cây bơ quý.
Được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ nguyên tắc “tính di truyền quyết định bởi ngọn ghép”, anh Mười kiên nhẫn ghép chồi cây quý vào những cây non mọc lên từ các hạt bơ bình thường nhặt được ngoài chợ. Bước ngoặt tiếp theo là người nông dân này đã trồng bơ xen cà phê để che bóng mát.
Từ câu chuyện của anh Mười Bơ, nhiều người nghĩ cách kéo dài thời gian sử dụng loại quả này, hay xuất khẩu bơ… Và chính Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dẫn đường chỉ cho người nông dân Mười Bơ sang Úc để chiết cành mang về ghép loại bơ có thời gian sử dụng dài hơn.
Nghị lực làm nên điều kỳ diệu
Cũng trong buổi nói chuyện, giáo sư đã kể về nghị lực phi thường của em Lê Thị Thắm hiện đang là sinh viên trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa).
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể, bẩm sinh Thắm đã không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa. Em sinh ra không có 2 tay, người mẹ lúc đó như chết lặng và chị Tình (mẹ cháu Thắm) gần như đã bỏ mọi công việc đồng áng ở nhà chăm sóc cho con.
Đến tuổi đi học, thấy bạn bè đến trường, Thắm đòi mẹ cho đi học. Bàn chân khô cứng vốn chỉ dùng để đi lại giúp cô bé tập viết những nét chữ khòng khoèo đầu tiên.
Hai ngón chân kẹp bút để viết bị phồng rộp, tê cứng nhưng Thắm không từ bỏ. Đau đớn nhưng Thắm vẫn ngồi lì một chỗ, nắn nót từng nét chữ. Nhờ chăm chỉ học quên ăn quên ngủ nên Thắm tiến bộ rất nhanh.
Năm 2004, vượt qua kỳ thi, Thắm được nhận vào trường tiểu học ở gần nhà. Từ cấp 1 đến hết lớp 12, nữ sinh đều được mẹ đưa đến trường và sự kiên trì, bền bỉ của em đã có kết quả.
Không phụ lòng cha mẹ, từ năm lớp 1 đến lớp 12, Thắm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, nhận nhiều giải thưởng, bằng khen và học bổng về nghị lực sống. Không những viết chữ, vẽ tranh, nữ sinh còn dùng laptop thành thạo bằng đôi chân.
Do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành sư phạm không tuyển thí sinh khuyết tật nên gia đình phải làm đơn và được Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An bảo lãnh em mới được dự thi trong kỳ thi quốc gia năm 2016.
Được biết, trong kỳ thi quốc gia 2016, Thắm đạt 17,83 điểm, cộng với điểm ưu tiên vùng được 18,83. Thắm đăng ký xét tuyển khối D vào ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. Đến ngày 2/8/2016, thầy Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cho biết, nhà trường vừa nhận hồ sơ xin đặc cách theo học ngành sư phạm đối với nữ sinh Lê Thị Thắm (quê xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn).
Thắm sinh ra đã không có hai tay nhưng nghị lực vươn lên, là tấm gương sáng để sinh viên noi gương. Theo lời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cho rằng: Ước mơ của em là được theo học ngành sư phạm tiếng Anh để tích lũy thêm kiến thức sau này về dạy những em nhỏ trường làng và những người khuyết tật như em.
Vì thế, nhà trường muốn chắp cánh cho ước mơ của em. Ngay sau đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã kêu gọi quyên góp được gần 200 triệu đồng để sắm đầy đủ các thiết bị học tập cho Thắm từ sách vở, điện thoại, Ipad và một chiếc xe đạp để chị Tình có phương tiện đưa đón con đến trường.
Qua những câu chuyện, giáo sư muốn nhắn gửi tới các em học sinh về nghị lực vươn lên trước hoàn cảnh và tinh thần ham học hỏi sẽ đưa chúng ta đến với thành công.
Nam sinh Quảng Bình dự thi Olympic Vật lý châu Á
Vượt qua nỗi đau mất cha, nam sinh tỉnh Quảng Bình tiếp tục lọt vào danh sách học sinh xuất sắc sẽ dự thi Olympic ... |
Nguyên Hiệu phó Trường TH Nam Trung Yên đi làm trở lại
Cô Nguyễn Thị Hương, nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đi làm trở lại nhưng nguyên Hiệu ... |