Giao thừa 'xao xác tiếng chổi tre' của những người giữ đường phố sạch đẹp

Khi mọi người sum vầy cùng gia đình vui Xuân, đâu đó giữa Sài Gòn vẫn có những con người vẫn đang cặm cụi, “xoèn xoẹt” tiếng chổi, quét dọn những tuyến đường sạch sẽ đầu năm mới.
lao cong tat bat quet rac dem 30 tet
Gương mặt phúc hậu, chị Tú tâm sự cùng PV nỗi niềm nghề quét rác.

Những con người lặng lẽ, thầm lặng mà chúng tôi muốn nói đến đó là những công nhân, lao công quét dọn rác trên đường.

Vào tối 30 Tết (27/1), chúng tôi có mặt trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM), dòng người đổ xô về đây để đón giao thừa cùng gia đình, người yêu. Xen lẫn những đám đông ấy, những người lao công mặc đồng phục, cầm chổi quét dọn rác, để tuyến đường sạch sẽ hơn.

Chia sẻ về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Tú (quê Quảng Ngãi) cho hay: “Tôi gắn bó với cây chổi đã hơn 3 năm nay, từ khi vào Sài Gòn từ năm 2005, tôi về quê đón Tết cùng gia đình chỉ được 3 năm. Tuy công việc có khó khăn, vất vả, cực nhọc, nhưng tôi vẫn yêu nghề”.

Chứng kiến công việc vất vả của các lao công, ai không khỏi xót lòng. Có những khi, mất vài tiếng để làm sạch một con đường, nhưng chỉ ít phút sau đó, nhiều bạn trẻ vô tư xả rác bừa bãi, "tiện đâu ném đấy" tạo ra những bãi rác tự phát.

lao cong tat bat quet rac dem 30 tet
Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch vắng người qua lại, những con người cần cù, chăm chỉ "xoèn xoẹt" chổi để quét rác, làm sạch tuyến đường.

“Có nhiều lần tôi dọn xong đống rác trên đường, vừa đẩy xe rác đi thì có nhiều người ăn, uống xong vứt lại chỗ cũ, tiếp tục, lần thứ 2 tôi phải quét dọn lại tuyến đường để khu phố xanh, sạch đẹp hơn", chị Tú cho hay.

Vào những ngày cuối năm, lượng rác tăng nhiều, có hôm tôi phải thu gom tới 10 xe rác/ngày. Rạng sáng mùng 1 Tết, chúng tôi quét dọn nhiều lần cho thật sạch rác mới kết thúc công việc. Về đến nhà thì cũng sang ngày mới rồi, mọi người đã đi ngủ cả”, chị Tú tâm sự.

Chia tay với chị Tú, chúng tôi không quên lời nhắn chúc chị năm mới vui vẻ, hạnh phúc, thành công, chị cười với vẻ mặt phúc hậu: “Chúc các em viết bài tốt”. Lên xe, chúng tôi di chuyển về tuyến đường Lý Thái Tổ (quận 10).

Đến đoạn gần BV Nhi Đồng 1, chị Lê Thị Phụng (quê Hà Tĩnh) đang cố quét gọn nốt phần rác còn sót lại để kịp chuyến xe gom rác về điểm tập kết.

Tâm sự cùng tôi, chị Phụng nhớ lại ngày đầu khi vào nghề, lúc đó chị còn trẻ, con thì nhỏ nên năm đầu tiên bị phân công trực Tết đã tủi thân phát khóc, thương chồng con vô cùng.

“Năm nào con tôi cũng là người dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn mâm cỗ tất niên chờ mẹ về rồi mới đi ngủ. Có sự động viên của gia đình nên tôi không còn buồn nữa mà cố gắng hoàn thành tốt công việc, sao cho đảm bảo đường sá sạch đẹp, gọn gàng chào năm mới. Nhiều năm trực Tết cùng mọi người nên giờ tôi cũng quen rồi, nhìn lại những đoạn đường sạch sẽ mình vừa dọn dẹp xong lòng thấy vui lắm”.

Chị chia sẻ: “Tối 30 Tết, có người trao tặng quà cho tôi, động viên, thăm hỏi những người làm việc về đêm như tôi…cảm thấy mình hạnh phúc lắm”.

“Giao thừa mà được ở bên gia đình, ăn chung mâm cơm, nói chuyện, tâm sự cùng nhau là hạnh phúc, nhưng chúng tôi làm không chỉ là trách nhiệm, còn là sự động viên, khích lệ, tin tưởng của lãnh đạo đã quan tâm, cùng anh chị em công nhân trải qua. Khiến một phần nhớ nhà cũng vơi đi, làm kiếm tiền gởi về quê nuôi gia đình, đứa con ăn học, như thế là vui lắm rồi”, chị Phụng kể.

Tết với nhiều người là bánh mứt, niềm vui sum vầy.... nhưng với nhiều người Tết là đem đến những con phố sạch đẹp cho mọi người vui Xuân - những người lao công không chỉ làm vì nhiệm vụ mà còn vì tình yêu với nghề nhọc nhằn mình đang gắn bó.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.