Giới siêu giàu gặp khó vì chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại không chỉ phủ bóng lên việc xuất nhập khẩu của các quốc gia mà còn là một trong những nguyên nhân khiến giới siêu giàu "bớt giàu".
chiến tranh thương mại

Tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và áp lực tiền tệ giảm so với đồng USD. (Ảnh: china-briefing).

Theo báo cáo về giới siêu giàu công bố bởi hãng nghiên cứu Wealth-X, số lượng những người siêu giàu - những người sở hữu khối tài sản cá nhân trị giá 30 triệu USD trở lên - đã tăng nhẹ 0,8% vào năm 2018, đạt 265.490 người.

Điều này đánh dấu sự suy giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng hai con số của năm ngoái 2017 cũng như cho thấy một năm đầy thách thức với các nhà đầu tư và thị trường tài sản, xuất phát từ căng thẳng thương mại gia tăng làm giảm tăng trưởng kinh tế và giảm kích thích tiền tệ.

Lượng tài sản được giới siêu giàu nắm giữ vào năm ngoái đạt 32,3 nghìn tỉ USD, giảm 1,7% so với năm trước đó, đánh dấu năm đầu tiên chỉ số giá trị tài sản bị sụt giảm.

Mặc dù có sự thuận lợi trong những báo cáo về thu nhập doanh nghiệp nửa đầu 2018, nền kinh tế thế giới đã mất đi động lực rõ rệt trong nửa cuối năm mà đỉnh điểm là sự sụt giảm mạnh về cổ phiếu và bất ổn trên thị trường trái phiếu.

Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm trên là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc phủ bóng lên nhu cầu tại châu Á và tâm lí nhà đầu tư.

Ngoài ra, vấn đề thắt chặt điều kiện thanh khoản toàn cầu cùng sự mạnh lên của đồng USD kéo dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi gây biến động tiền tệ cũng là yếu tố góp phần vào tình trạng sụt giảm.

Rủi ro địa chính trị vẫn còn ở phía trước trong bối cảnh Mỹ ngày càng trở nên cô lập, quá trình Brexit chưa hồi kết tại Anh hay những căng thẳng quốc tế liên quan đến Saudi Arabia và Iran.

Báo cáo của Wealth-X cho biết 10 nền kinh tế có nhiều người siêu giàu nhất đóng góp tới 72% số lượng cho giới siêu giàu toàn cầu.

Cũng giống như xu hướng chung, hầu hết giới siêu giàu tại các nền kinh tế này đều sụt giảm khối tài sản nắm giữ trong năm 2018 với tốc độ giảm thậm chí còn đạt tới 8,8% như Canada hay 9,0% như Hong Kong.

Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách khi có tới 81.340 người siêu giàu, chiếm tới 31% số người siêu giàu của toàn thế giới với lượng tài sản nắm giữ là 9.840 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với năm 2017.

Số người sở hữu giá trị tài sản 30 triệu USD trở lên tại nền kinh tế đứng thứ 2 gia tăng 1,3% nhưng tổng lượng giá trị nắm giữ bởi giới siêu giàu nước này sụt giảm 1,3%, đảo ngược mạnh mẽ so với mức tăng trưởng tới 23% của năm 2017.

Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu của đà tăng trưởng chậm lại, một phần do căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Tài sản của giới siêu giàu bị đè nặng bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và áp lực tiền tệ giảm so với đồng USD.

Mặc dù Trung Quốc xếp thứ 2 toàn cầu về số lượng người siêu giàu, không có bất kỳ thành phố nào của nước này xuất hiện trong top 10 thành phố theo tiêu chí này.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.