Giới trẻ cắt tay, cạo da: TS Tâm lý Trần Thành Nam nói gì?

TS Tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, cách thức phổ biến nhất thường là tự cắt tay bằng dao lam (với nữ) và tự đập đầu, đánh mình, tự đốt cơ thể mình (với nam).

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng “Tự hủy hoại bản thân” có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Phần lớn rơi vào lứa tuổi vị thành niên, thanh niên với những nguyên nhân “không giống ai”.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh đến vấn đề này.

gioi tre cat tay cao da ts tam ly tran thanh nam noi gi

TS Tâm lý Trần Thành Nam

1/3 số người có hành vi tự gây tổn thương có ít nhất 1 ý tưởng tự sát

PV: Mới đây, nghiên cứu của nhóm giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy, có đến hơn 84% học sinh THCS tại TP.HCM có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bản thân. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?

TS Trần Thành Nam: Vấn đề hành vi tự gây tổn thương của giới trẻ đang là một vấn đề làm đau đầu các nhà tâm lý và chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tự gây tổn thương được hiểu là bất kì hành động có chủ định và ý thức gây thương tổn trực tiếp đến cơ thể bản thân mình.

Các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy có khoảng 15-25% trẻ vị thành niên đã từng có hành vi tự làm tổn thương ít nhất một lần.

Tại Việt Nam, căn cứ trên kết quả điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên Việt Nam – SAVY-II, thì có khoảng 7,5% trẻ trong độ tuổi 14-25 đã tự gây thương tích cho mình.

Các dạng hành vi tự gây tổn thương rất đa dạng từ như đánh/đấm nhằm gây thương tích cho bản thân, cắt tay, cào mạnh, cạo da, phá hoại quá trình lành vết thương và tự làm bỏng bằng thuốc lá, thậm chí bao gồm các hành động mang tính phá hủy hơn như nhảy từ trên cao xuống làm gãy xương, gây thương tích tới các chi, gây tổn thương mắt hoặc tự cắt bộ phận cơ thể (VD như cắt bộ phận sinh dục). Đáng nói là hành vi tự gây tổn thương thường xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất khác nên làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn nhiều.

PV: Những người thích hành hạ bản thân thường khởi đầu xu hướng bằng những vết bỏng, vết cắt nhỏ bằng dao lam. Nếu để kéo dài, sự hủy hoại này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào, thưa ông?

Mặc dầu có nhiều hình thức tự gây tổn thương như đã nêu trên nhưng cách thức phổ biến nhất thường là tự cắt tay bằng dao lam (với nữ) và tự đập đầu, đánh mình, tự đốt cơ thể mình (với nam). Nếu những hành vi cố ý gây tổn thương vùng mặt, mắt, cổ, ngực, hoặc cơ quan sinh dục thì đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Về hậu quả, ố nghiên cứu chỉ ra trẻ đã có hành vi tự gây tổn thương có trung bình 5 ý tưởng tự gây tổn thương mỗi tuần và khoảng 86% các ý tưởng này được thực hiện. Ngoài ra, 1/3 số người có hành vi tự gây tổn thương có ít nhất 1 ý tưởng tự sát.

Trong nhiều trường hợp, hành vi tự gây tổn thương đi kèm hoặc là hệ quả của các rối loạn tâm thần khác.

Ví dụ 70-80% người bị rối loạn nhân cách ranh giới có các hành vi tự gây tổn thương; người rối loạn lo âu sử dụng hành vi tự gây tổn thương để ức chế cảm xúc lo âu tăng cao; 60-70% những người chán ăn tâm thần hoặc cuồng ăn có hành vi tự gây tổn thương vì họ không thỏa mãn với hình ảnh cơ thể mình nên sử dụng hành vi này để tự trừng phạt bản thân. Ngoài ra, 34-50% người nghiện cũng có hành vi tự gây tổn thương và đó là hệ quả của những ảo giác. Nếu những vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần này không được phát hiện và can thiệp kịp thời, cá nhân có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân mình cũng như mọi người xung quanh.

Hủy hoại bản thân: cách thức trốn tránh hành vi tự sát?

PV: Vậy theo ông, sao người trẻ lại chọn sự hủy hoại thân thể như vậy gây lên nỗi đau về thân thể cũng như tinh thần?

Đã có nhiều lý thuyết tâm lý giải thích về cơ chế hành vi tự gây tổn thương. Có thể là trẻ dùng nỗi đau về cơ thể để làm xao lãng các cảm xúc tiêu cực đặc biệt là tức giận và trầm uất. Có thể là một cách thức trốn tránh hành vi tự sát nhưng vẫn đạt được mục tiêu trừng phạt bản thân. Có thể hành vi này sẽ mang lại nhiều “lợi lộc” cho trẻ trong đó có sự chú ý quan tâm của gia đình…

Mới đây, trong một nghiên cứu của chúng tôi, các em có hành vi tự hành hạ bản thân đã chia sẻ một số lý do dẫn đến hành vi tự gây tổn thương gồm: thực hiện hành vi để giải tỏa em khỏi cảm giác “tê liệt” hoặc trống rỗng; để em trừng phạt bản thân mình; để tránh phải làm việc gì đó khó chịu mà em không muốn làm (như đi học); để tránh phải ở cùng các thành viên trong gia đình; để khiến những người khác phải cư xử khác đi và thay đổi chính họ; để bố mẹ em hiểu và để ý tới em; để cho những người khác biệt em đã tuyệt vọng như thế nào; hay để thấy mình thuộc về một nhóm nào đó.

PV: Có người nói độ tuổi dễ gây ra hội chứng này ở thời kì giông bão và stress. Tự hành hạ bản thân thường xảy ra ở độ tuổi 13-19. Ông có thể lí giải về vấn đề này?

Đúng là hành vi tự gây tổn thương cho bản thân bùng phát trong giai đoạn vị thành niên. Có thể nói có 2 đặc điểm tâm lý chính của lứa tuổi này đó là tính xung động và chủ nghĩa hoàn hảo.

Trẻ vị thành niên cũng thường là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Có nghĩa là các em luôn nỗ lực đạt tới những kỳ vọng cao một cách phi thực tế trong nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống như học tập, sở thích, nghề nghiệp, thể hiện với bạn bè…

Và những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường mắc lỗi nhận thức rằng nếu tôi không thành công trong một nhiệm vụ nhỏ có nghĩa là tôi hoàn toàn thất bại, tôi không có năng lực, tôi vô giá trị. Chính vì vậy, các em sử dụng các hình thức tự gây tổn thương để trừng phạt bản thân.

PV: Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm việc giới trẻ tự hủy hoạt bản thân sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Theo ông, làm sao để giúp trẻ vượt qua được vấn nạn này?

Để hỗ trợ các em vượt qua những hành vi tự gây tổn thương cũng như các cơn khủng hoảng lứa tuổi, cần có các chiến lược phòng ngừa và can thiệp trong trường học.

Về chiến lược phòng ngừa, trường học cần cung cấp một môi trường học đường an toàn và nuôi dưỡng nâng cao khả năng tự phục hồi ở học sinh.

Chương trình của trường học cũng cần quan tâm tới việc phát huy các điểm mạnh, các tiềm năng cũng như các kĩ năng sống tích cực cho học sinh cũng như nâng cao nhận thức về hành vi tự gây tổn thương, cung cấp các thông tin về những yếu tố nguy cơ hay dấu hiệu nhận biết, loại bỏ những niềm tin hay định kiến sai lầm người có hành vi này.

Để can thiệp các trường hợp tự gây tổn thương trong trường học, cần có cán bộ tư vấn học đường và thành lập các Tổ hỗ trợ tâm lý trong Nhà trường. Cán bộ tư vấn học đường trong trường sẽ là người ý thức được các dấu hiệu của tự gây tổn thương và cách nhận biết nó chính xác cũng như có khả năng giải quyết ngay và hiệu quả với các học sinh có hành vi tự làm tổn thương. Nhà tâm lý học đường cũng sẽ là người đề xuất một quy trình an toàn cho những trường hợp tự gây tổn thương của học sinh.

Ngoài ra, Tổ hỗ trợ tâm lý sẽ phải quản lý và xử lý hiện tượng “lây lan” hành vi tự gây tổn thương.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.