Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu thị trường GfK, hiện các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm khoảng 40% thị phần thị trường bán lẻ điện máy. Hơn 60% thị phần còn lại thuộc về 3 ông lớn Điện máy xanh, Điện máy Chợ Lớn và Nguyễn Kim.
Sự ra đi của Vinpro khiến nhiều người không khỏi giật mình trước cuộc đua khốc liệt trong ngành bán lẻ điện máy. Trong vòng một thập kỉ qua, thị trường đã chứng kiến các ông lớn ngành bán lẻ điện máy bành trướng thần tốc rồi cũng biến mất thần tốc với các thương vụ M&A đình đám như: Thế giới số Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, HomeOne,…
Câu hỏi đặt ra là liệu các cửa hàng bán lẻ điện máy truyền thống, nhỏ lẻ đã tồn tại như thế nào để vẫn giữ được thị phần 40% mà không bị cơn bão siêu thị hoá và M&A cuốn đi?
Sau một thời gian dài ảm đạm vì suy thoái kinh tế, từ cuối năm 2015 thị trường điện máy đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng luôn ở mức từ 15 - 20%. Sức mua tốt đã khiến các hệ thống siêu thị điện máy tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống, nhằm giành giật thị phần.
Từ đó đến nay, với chiến dịch tằm ăn rỗi, nhằm chiếm dần dần miếng bánh bán lẻ điện máy màu mỡ, hàng loạt các ông lớn như Thế Giới Di Động, Vinpro, Nguyễn Kim,… đã chi hàng nghìn tỉ đồng để có thể phủ sóng, tăng độ nhận diện thương hiệu ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Đơn cử, trước năm 2013, Trần Anh mới có 4 siêu thị, Media Mart cũng có khoảng 4-5 điểm bán, Pico có 2-3 cửa hàng, HC có 3-4 cửa hàng... tổng cộng cả miền Bắc khi đó chỉ khoảng 20 siêu thị điện máy. Khu vực phía Nam Nguyễn Kim 10 siêu thị, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hòa, Idea có tổng cộng chưa đến 10 cửa hàng ,…
Theo ông Trần Xuân Kiên, cựu Chủ tịch Trần Anh, cả nước khi đó mới chỉ có khoảng dưới 100 điểm bán điện máy là chuỗi. Còn lại thị trường vẫn nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ khác.
Tuy nhiên tính đến nay, chỉ riêng chuỗi Điện Máy Xanh đã đạt con số 1.000 siêu thị trên cả nước, chiếm tới 40% thị phần bán lẻ điện máy, theo sau là Vinpro trước khi đóng cửa cũng đạt hơn 300 cửa hàng, Nguyễn Kim 70 siêu thị và Điện máy Chợ Lớn là 71.
Có thể thấy, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng siêu thị điện máy đã tăng khoảng 50 lần. Trong năm 2019, riêng Điện Máy Xanh đã mở thêm 300 cửa hàng trên khắp cả nước, tính trung bình mỗi ngày có thêm một siêu thị điện máy được mở mới.
Theo ước tính, tại các thành phố lớn, trước đây phạm vi bán hàng của một siêu thị điện máy có bán kính khoảng 30 km, thì giờ đây giảm xuống chỉ còn 5-10 km. Quan sát trên bản đồ, nhiều địa phương tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến huyện đã có hàng loạt siêu thị điện máy cùng mọc lên san sát, trong khi những năm trước đó không hề có.
Với mật độ mở dày đặc của các chuỗi lớn, dư địa phát triển dành cho các cửa hàng nhỏ lẻ gần như không còn.
Ông Nguyễn Thanh (Ý Yên, Nam Định), một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề buôn bán điện máy, nhớ lại chỉ khoảng 3 - 4 năm trước, cả tỉnh mới chỉ có một siêu thị điện máy của MediaMart, nay đã có hàng loạt như Nguyễn Kim (1 siêu thị), Điện Máy Xanh 2 cửa hàng, Pico và MediaMart mỗi thương hiệu có một cửa hàng.
Các siêu thị điện máy mở rộng đến các vùng thôn quê, thị xã, đi cùng với các chính sách vận chuyển lắp đặt miễn phí ngay tại nhà, khiến cửa hàng điện máy kiểu gia đình ngày càng thu hẹp.
“Lượng khách hàng giảm hẳn, không đủ sức vung tiền khuyến mãi cạnh tranh với các hệ thống lớn nên đành chịu mất khách hàng, mất thị trường, thậm chí là đóng cửa bỏ sang lĩnh vực kinh doanh khác”, ông Thanh chia sẻ.
Trước sự phình to của các chuỗi điện máy lớn, việc giữ được 40% thị phần bán lẻ điện máy là một kì tích đối với các cửa hàng truyền thống nhỏ lẻ.
Theo tìm hiểu, đi ngược lại sức nóng của các thương vụ M&A cá lớn nuốt cá bé và sự cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn trên thị trường, các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ vẫn đang sống tốt, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khi cánh tay của Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim,... chưa vươn tới được.
“Tình hình kinh doanh vẫn ổn định, so với các năm trước thậm chí còn tăng vì đời sống người dân ngày một cao, nhu cầu về điện máy như điều hoà, tủ lạnh cũng tăng lên rõ rệt”, anh Minh Bảo - chủ một cửa hàng điện máy tại Đông Hưng, Thái Bình chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của anh Bảo, tuy không tiết lộ con số chi tiết, nhưng ông Thanh cho biết doanh thu của cửa hàng gia đình ông chưa bao giờ giảm.
“Khó khăn chỉ đúng với những hộ kinh doanh tuyến tỉnh, nơi tập trung đông đúc các siêu thị lớn. Trong khi tại tuyến huyện, tuyến xã, thị trường điện máy vẫn nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ”, ông Nguyễn Thanh nói.
Về phía khách hàng, anh Gia Lư (Đông Hưng, Thái Bình), chia sẻ: “Thay vì phải lên tận tỉnh để mua một chiếc tủ lạnh, hay một chiếc tivi đời mới, tôi có thể chọn mua ngay tại các cửa hàng điện tử gần nhà. Tuy có ít lựa chọn hơn, nhưng tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng, hỏng hóc gì cũng có thể đem ngay ra bảo hành, sửa chữa, vì toàn chỗ quen biết”.
Mặt khác, các sản phẩm điện máy bán tại những cửa hàng nhỏ lẻ luôn có giá cả dễ chịu hơn so với việc mua trong các chuỗi lớn.
Đơn cử, tháng vừa rồi, anh Phạm Trường, 26 tuổi ngụ Đông Hưng, Thái Bình có mua một chiếc tivi 43 inch thương hiệu Sony tại một cửa hàng gần nhà với giá 9 triệu đồng. Tuy nhiên, khi so sánh giá trên trang web của một hệ thống Đ. lớn, giá của chiếc tivi này lên tới gần 12 triệu đồng, tức anh lời được hơn 3 triệu đồng.
Giải thích cho việc này, ông Nguyễn Thanh cho biết các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ có lợi thế hơn các chuỗi lớn là không tốn chi phí điều hành, chi phí thuê mặt bằng, quảng cáo, kho bãi… do đó có thể bán sản phẩm với giá rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng.
“Kinh tế vẫn luôn là yếu tố được nhiều người tiêu dùng vùng thôn quê cân nhắc, để chọn mua đồ điện máy”, ông Thanh nói thêm.
Tuy nhiên, những lợi thế này của các cửa hàng bán lẻ điện máy truyền thống sẽ sớm bị mất đi, khi Điện Máy Xanh đã nhìn ra điều đó.
Ông trùm điện máy đã không ngần ngại tuyên bố tham vọng sẽ dành được 50% thị phần thị trường bán lẻ điện máy trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là các cửa hàng truyền thống sẽ buộc phải thu hẹp, hoặc bị xoá bỏ.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, Điện Máy Xanh đã tích cực xây dựng các siêu thị điện máy mini ngay bên cạnh các siêu thị lớn. Chiến lược này là một khởi đầu mạnh mẽ giúp Điện Máy Xanh có thể “luồn lách” vào các khu đô thị vùng ven, các khu dân cư ngoại thành và các khu vực nông thôn trước đó chưa tiếp cận được.
Trong năm 2019, mô hình Điện Máy Xanh mini cũng được nâng cấp thêm một bước, với khả năng tối ưu diện tích, lượng hàng trưng bày tăng lên 300%, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn và do đó doanh thu tăng lên tới 30% cho mỗi cửa hàng.