Cuộc đua khốc liệt trên thị trường điện máy: Bao nhiêu thương hiệu đã mất tích trước khi Vinpro giải thể?

Chỉ trong 5 năm trở lại đây, thị trường điện máy liên tục chứng kiến những tên tuổi lớn Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Vinpro,… lần lượt từ bỏ cuộc chơi bán lẻ điện máy.

Ngày 18/12, hệ thống bán lẻ điện máy gồm hơn 240 cửa hàng của Vinpro chính thức tuyên bố giải thể. Trước Vinpro, một loạt các ông lớn cũng không trụ được với thị trường như Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Việt Long, WonderBuy, Best Carings, HomeOne...

Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam ngày thêm quyết liệt, với sự tham gia của nhiều đối thủ sừng sỏ. Khi cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quyết định số một, nhà bán lẻ nào có năng lực quản trị chuỗi tốt, độ phủ rộng và định vị thương hiệu được trong tâm trí khách hàng, sẽ làm chủ thị trường.

Điện máy Trần Anh: Mở rộng nóng, bán thân sau 15 năm tồn tại

Thành lập từ năm 2002, với vốn điều lệ ban đầu 1 tỉ đồng, Trần Anh ban đầu chỉ là một hệ thống phân phối các sản phẩm máy tính, thiết bị tin học và văn phòng,… với doanh thu năm 2009 tới 950 tỉ đồng. 

Đến tháng 12/2009, thương hiệu Trần Anh chính thức bước chân vào thị trường bán lẻ điện máy. 

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy: Đã có bao nhiêu ông lớn bay màu? - Ảnh 1.

Điện máy Trần Anh: Mở rộng nóng, bán thân sau 15 năm tham gia thị trường. (Ảnh: Zing.vn).

Khi ấy, ông Nghiêm Xuân Thắng, sáng lập đồng thời là CEO của Trần Anh, chia sẻ: “Với con số dự báo sức mua tăng từ 15% - 20% trong giai đoạn từ 2010 – 2015, thị trường hơn 80 triệu dân ở Việt Nam còn mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ điện máy. Trần Anh cũng không bỏ qua cơ hội thị trường này, lấy thế mạnh số 1 trong IT làm bàn đạp chinh phục sang lĩnh vực điện máy”. 

Và đúng như ông Thắng kì vọng, những năm sau đó, Trần Anh nhanh chóng chiếm được 15% thị phần thị trường điện máy phía Bắc, chủ yếu tại nội thành các đô thị lớn, với 34 siêu thị.  

Tuy nhiên, trong cuộc đua phủ sóng rộng khắp của các hệ thống điện máy giai đoạn 2017 -2018, Trần Anh đã tỏ ra hụt hơi. 

Báo cáo tài chính quý II (niên độ bắt đầu từ ngày 1/4/2017) của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, cho thấy do các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đồng loạt tăng mạnh, khiến lỗ sau thuế lên 7,4 tỉ đồng. Trong đó, có nguyên nhân là do mở hơn chục siêu thị mới trong năm 2017.

Đến đầu năm 2018, Trần Anh chính thức bị Thế Giới Di Động thâu tóm sau một thương vụ M&A trị giá khoảng 2.500 tỉ đồng. Sau thương vụ này, Thế Giới Di Động hiện nay đã nắm trong tay 40% thị phần bán lẻ điện máy trên cả nước. 

Viễn Thông A chìm trong nợ nần, bị Vinpro thâu tóm

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy: Đã có bao nhiêu ông lớn bay màu? - Ảnh 2.

Viễn Thông A chìm trong nợ nần, bị Vinpro thâu tóm. (Ảnh: Zing.vn).

Cũng trong năm 2018, sau nhiều đồn đoán, đến tháng 8/2018, Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất thương vụ mua 100% cổ phần của CTCP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A từ các cá nhân và một đối tác doanh nghiệp, chính thức sở hữu chuỗi bán lẻ công nghệ hàng đầu Việt Nam. 

Viễn Thông A là công ty sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh và bán lẻ điện thoại di động, máy tính và các phụ kiện điện tử.Thành lập từ tháng 11/1997, Viễn Thông A được coi là đối trọng đáng gờm với hai ông lớn sừng sỏ, là Thế Giới Di Động và FPT Shop. 

Tuy nhiên, cũng giống như Trần Anh, Viễn Thông A đã rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề và hoạt động kinh doanh không hiệu quả trước khi phải bán mình. Theo Vingroup, tại thời điểm mua Viễn Thông A, công ty này có tổng giá trị tài sản 606,5 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 604,2 tỉ đồng. 

Trong đó, vay ngắn hạn tới 455 tỉ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong gần 8 tháng của năm 2018 (từ ngày 1/1/2018 đến ngày 21/8/2018), Viễn Thông A lỗ trước thuế tới 226 tỉ đồng.

Với tình hình tài chính nói trên, tổng giá phí của thương vụ này là gần 39 tỉ đồng.

Theo số liệu của tạp chí bán lẻ châu Á Retail Asia Publishing và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Viễn Thông A đang nắm trong tay 210 cửa hàng và trung tâm bảo hành với tổng diện tích mặt sàn là 61.000 m2. 

Vào thời điểm đó, độ phủ của Viễn Thông A được đánh giá là chỉ đứng sau Thế Giới Di Động và FPT Shop. Tuy nhiên, với việc hệ thống Vinpro tuyên bố giải thể vào ngày 18/12 vừa qua, vòng đời 22 năm của chuỗi Viễn Thông A đã chính thức khép lại. 

Hệ thống Topcare: Đuối sức trong cuộc đua "đốt tiền"

Trong thập kỉ này đã chứng kiến rất nhiều việc ra đi của các ông lớn trên thị trường bán lẻ điện máy, nhưng có lẽ cái chết của Topcare khiến nhiều người sửng sốt và bất ngờ nhất.

Tháng 11/2014, với việc rót vốn 30 tỉ đồng khai trương siêu thị Topcare số 1 Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Topcare tự tin khẳng định đại gia bán lẻ này chính thức trở lại thị trường với sinh khí mới. Đồng thời, ông Tùng tiết lộ trong năm 2015, hệ thống sẽ tiếp tục khai trương nhiều siêu thị khác ở Hà Nội, mục tiêu trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam.

Vậy nhưng rất nhanh chóng chỉ 2 tháng sau đó, Topcare đã gây sốc không chỉ cho khách hàng mà với cả đối tác và nhân viên, khi bất ngờ đóng cửa toàn bộ 6 siêu thị tại Hà Nội vào ngày 23/1.

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy: Đã có bao nhiêu ông lớn bay màu? - Ảnh 3.

Hệ thống Topcare đuối sức trong cuộc đua đốt tiền. (Ảnh: Báo đầu tư).

Ra đi “không kèn, không trống”, không một dòng thông báo, Topcare thực sự đã gây hoang mang cho chính những đối thủ của mình. 

Thực chất, trong giai đoạn đầu năm 2014, trước sức ép cạnh tranh trên thị trường điện máy, Topcare đã đối mặt với khó khăn. Do kết quả kinh doanh không khả quan, đơn vị này bắt đầu nợ vốn từ các nhà cung cấp. Nợ cũ không trả được, nợ mới phát sinh, khiến nhà phân phối lẻ không thể tiếp tục cập nhật hàng hóa từ các hãng, cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng trên kéo dài khiến hệ thống đình trệ. Hàng loạt chương trình khuyến mãi, hợp tác với nhiều đơn vị đang chạy phải dừng lại.

Theo các nhà phân tích, sự ra đi của ông lớn Topcare là kết quả của cuộc sàng lọc thị trường, khi mà các điểm bán liên tục được mở ra và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh trong giai đoạn sức mua thấp.

WonderBuy, HomeOne: Lắm tiền nhiều của hay mô hình mới đều chết yểu

Tháng 6/2011, chỉ sau chưa đầy một năm đi vào hoạt động, hệ thống siêu thị điện máy WonderBuy chính thức tuyên bố phá sản. WonderBuy được chống lưng bởi ông lớn là Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất, có trụ sở tại TP HCM.

Sau một năm hoạt động, tính đến tháng 6/2011, hệ thống này bị lỗ tới 52 tỉ đồng, trong đó có 9 tỉ tiền đặt cọc thuê mặt bằng, 20 tỉ đồng hàng hoá, nợ hơn 11,5 tỉ đồng tiền thuê nhà, đầu tư thiết bị…

Đại diện WonderBuy cho hay nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của hệ thống này là thực tế kinh doanh chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tiền thuê mặt bằng quá cao. Đồng thời, việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược, huy động vốn từ nhà đầu tư và vay ngân hàng không thành công.

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy: Đã có bao nhiêu ông lớn bay màu? - Ảnh 4.

WonderBuy chết yểu sau một năm hoạt động. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn).

Được thành lập cùng thời điểm với WonderBuy, HomeOne vốn là một hệ thống bán lẻ khá lớn tại thị trường TP HCM, với tổng số vốn đầu tư lên tới 200 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, cũng chỉ sau khoảng 2 năm kinh doanh, HomeOne liên tục lâm cảnh ế ẩm không bán được hàng, nợ lương nhân viên kéo dài nhiều tháng, nợ tiền thuê mặt bằng, nợ nhà cung cấp nhiều tỉ đồng tháng, cuối cùng đã bị niêm phong thu hồi mặt bằng.

Tháng 9/2013, hệ thống siêu thị điện máy HomeOne, thuộc quản lí của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong, chính thức rời sân chơi điện máy.

Thị trường bán lẻ điện máy gặp khó, các ông lớn tìm hướng đi mới

Trước việc hơn 240 cửa hàng điện máy của Vinpro đóng cửa, Điện Máy Xanh thuộc sở hữu của Thế Giới Di Động hiện là chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất cả nước, với hơn 1.000 cửa hàng tính đến tháng 12/2019. 

Với việc chiếm tới 40% thị trường bán lẻ điện máy, và mang về doanh thu 48.330 tỉ đồng trong 10 tháng đầu năm, chiếm hơn 56% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh vẫn là động lực tăng trưởng chính của Thế Giới Di Động trong 2-3 năm tới. 

Nhưng, dù hiện tại điện máy vẫn đang đem lại nguồn doanh thu cao cho Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, nhưng theo các chuyên gia, ai cũng đều nhận ra rằng dư địa tăng trưởng ở thị trường này không còn lớn như trước nữa. 

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ điện máy: Đã có bao nhiêu ông lớn bay màu? - Ảnh 5.

Thị trường bán lẻ điện máy tại Việt Nam đã bão hoà. (Ảnh: Thiên Trường).

Theo Hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, lĩnh vực điện máy đang tăng trưởng cao hơn điện thoại, nhưng không còn như trước, cho thấy người tiêu dùng đang dần bão hòa với sản phẩm hi-tech. Theo đó, hàng điện tử (tăng 23,5%), điện lạnh (12,5%), điện gia dụng (3,7%). Năm 2019, ngành hàng tivi chững lại, chỉ tăng khoảng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành khác đều tăng trưởng dưới 10%. 

Chính vì vậy các chuỗi siêu thị điện máy như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld hay Nguyễn Kim đều đang mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới, đa dạng hóa sản phẩm như: dược phẩm, bách hoá và đồng hồ. 

Điều này cho thấy, ngay cả một ông lớn đang chiếm gần nửa thị phần trong ngành bán lẻ điện máy như Thế Giới Di Động cũng không còn chắc chắn và tin tưởng vào tương lai của ngành hàng này.