Chiều 22/3, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, việc chia cổ tức, phát hành ESOP cho cán bộ quản lí và công tác nhân sự chủ chốt.
Tại Đại hội đồng cổ đông chiều 22/3, HĐQT đã trình việc ông Nguyễn Đức Tài rút khỏi vị trí Tổng giám đốc, chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT MWG.
Ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập Thế Giới Di Động sẽ không còn kiêm nhiệm 2 chức danh quản lý, điều hành Thế Giới Di Động.
Ông Tài cho biết việc từ nhiệm này là bình thường, bởi ông vẫn điều hành doanh nghiệp ở vị trí Chủ tịch HĐQT.
Theo ông, ghế Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc tách bạch được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay.
Tuy vị trí CEO của MWG vẫn chưa công bố, nhưng nhiều thông tin cho biết ông Trần Kinh Doanh sẽ giữ chức vụ này trong thời gian tới. Ông Doanh là người đang nắm giữ vị trí điều hành cao nhất của Bách Hoá Xanh, cựu CEO Công ty CP Thế Giới Di Động.
Ông Nguyễn Đức Tài cho hay ông Trần Kinh Doanh là người dẫn dắt vai trò kinh doanh tại MWG trong vài năm nay, là người đưa ra hướng đi của các ngành hàng, điều này nhiều nhân viên trong công ty cũng đều biết.
Tại Đại hội, ông Trần Lê Quân, đồng sáng lập Thế Giới Di Động, cũng xin rút khỏi HĐQT vì lí do cá nhân và có các dự định riêng. Trước đại hội một ngày, HĐQT Tập đoàn đã bất ngờ công bố đơn từ nhiệm của ông Quân.
HĐQT của Thế Giới Di Động nhiệm kì 2019-2020 có thêm hai nhân sự mới, là ông ông Đoàn Văn Hiểu Em (người đứng đầu mảng kinh doanh điện thoại) và ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).
Ông Vinh là một trong 5 cá nhân thành lập Golden Gate, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt nhà hàng lẩu, nướng bia tươi hiện nay như Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Gogi House, Daruma, Vuvuzela, Cowboy Jack's... được bầu làm thành viên độc lập trong HĐQT của Thế Giới Di Động nhiệm kì này.
Thế Giới Di Động phát hành quyền chọn mua cổ phần cho cán bộ quản lí.
Thời gian bắt đầu chương trình cấp quyền chọn mua cổ phần cho cán bộ quản lí chủ chốt với số lượng dự phát hành 50.000 quyền chọn mua kể từ ngày cổ đông thông qua. Thời điểm trao quyền chọn mua cho nhân viên trong năm 2019 do HĐQT quyết định.
Nhà sáng lập Golden Gate từng sở hữu hơn 35% cổ phần doanh nghiệp khi thành lập, nhưng sau đó giảm đáng kể khi xuất hiện một cổ đông tổ chức tại Golden Gate. Năm ngoái, tỉ lệ sở hữu của ông Vinh ở doanh nghiệp này chỉ là 5,33%.
Năm 2019, Thế Giới Di Động tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu cho ban điều hành, cán bộ chủ chốt và các công ty con, dựa vào kết quả kinh doanh năm 2019.
HĐQT đồng thời cũng trình cổ đông thông qua chương trình cấp quyền chọn mua cổ phần cho cán bộ quản lí chủ chốt, với số lượng dự kiến phát hành 50.000 quyền chọn mua. Nội dung này đã được HĐQT sửa đổi so với tài liệu đã phát hành vài ngày trước khi đại hội diễn
Thời gian kết thúc chương trình trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp quyền. Sau khi kết thúc toàn bộ quyền chọn mua cổ phần chưa thực hiện chuyển đổi thành cổ phần sẽ hết hiệu lực và không có giá trị thực hiện.
Chuỗi Bách Hóa Xanh được kì vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm nay. (Ảnh: P. Huy).
Lý giải về việc phát hành ESOP, ông Nguyễn Đức Tài nói ngành hàng điện thoại và công nghệ năm nay dự báo tăng trưởng thấp. Ngành TV có thể tăng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành hàng khác đều dưới 10%. Theo ông, khi ngành hàng này có sự bão hòa, chương trình ESOP thú vị sẽ đảm bảo tăng trưởng 10%, và kích thích hàng nghìn nhân viên làm việc hiệu quả.
Tại đại hội, nhà bán lẻ này cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt, với tỉ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết tập đoàn dành khoảng 20-25% hàng năm lãi cho việc chia cổ tức. Hiện Thế Giới Di Động vẫn còn trong giai đoạn đầu tư, nên phần còn lại để dành cho những công việc khác.
Năm 2018, Thế Giới Di Động đạt 86.516 tỉ đồng doanh thu và 2.880 tỉ đồng lợi nhuận, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2017.
Trong đó, doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 4.270 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2017. Đến cuối 2018, công ty có 1.032 siêu thị Thế Giới Di Động, 750 siêu thị Điện Máy Xanh, 405 siêu thị Bách Hóa Xanh và 10 siêu thị Bigphone.
Vào đầu tháng 3/2019, Thế Giới Di Động bất ngờ nhảy vào mảng kinh doanh đồng hồ. (Ảnh: Phúc Huy).
Năm 2019, Thế giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 25%, đạt 108.000 tỉ và lãi ròng hợp nhất 3.571 tỉ đồng. Hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính.
Công ty dự kiến mở mới 700 cửa hàng và chuyển đổi 150 cửa hàng Điện Máy Xanh mini và Điện máy xanh. Tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh dự kiến cuối năm 2019 là khoảng 1.900 cửa hàng.
Riêng chuỗi Bách Hóa Xanh được kì vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Mục tiêu doanh thu sinh ra tại các cửa hàng phải đủ để bù đắp hoàn toàn chi phí tại cửa hàng và chi phí phân phối. Ban lãnh đạo cho biết, trễ nhất là cuối năm 2019, Bách Hóa Xanh sẽ có lợi nhuận ở các cửa hàng, tức là chưa gồm chi phí phân bổ cấp độ công ty.