Chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động thuộc Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) đầu tháng 3/2019 đã cập nhật thêm một mặt hàng mới, là đồng hồ, vào danh mục sản phẩm trên website bán hàng.
Bên cạnh các loại đồng hồ thông minh (smartwatch), TGDĐ bán các loại đồng hồ thời trang dành cho đa dạng khách hàng từ người lớn đến trẻ em, nam giới đến phụ nữ.
Điểm bán offline đồng hồ đầu tiên của TGDĐ nằm trong một cửa hàng của chuỗi bán lẻ điện thoại ở quận Phú Nhuận, TP HCM. (Ảnh: Phúc Huy).
Các thương hiệu mà hãng này phân phối gồm Daniel Wellington, Sheen, Fossil, Edifice, Casio... với giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Trong tuần đầu tiên, các sản phẩm được hãng giảm từ 10-20% so với giá niêm yết.
Như vậy, ngoài điện thoại, hàng điện máy, nhà thuốc và thực phẩm, TGDĐ chính thức gia nhập thị phần đồng hồ. Nhưng TGDĐ chỉ là tay chơi mới. Thị trường đồng hồ trong nước từ 6 năm trước đã chứng kiến sự gia nhập của Công ty CP Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ), và năm 2018, Tập đoàn Vàng bạc Đá quí DOJI cũng đã vào cuộc.
Trong nhận định sơ lược về thị trường đồng hồ, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng thông tin với dân số hơn 90 triệu người, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có quy mô ước khoảng 17.000 tỉ đồng (gần 750 triệu USD), nhưng rất phân mảnh và bát nháo về nguồn gốc sản phẩm.
"Tại Việt Nam, chỉ có một số ít các cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đây một vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ", chuyên gia VDSC nhận định.
Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 từng nhận định đồng hồ đang kinh doanh tại Việt Nam 80-90% là hàng giả. (Ảnh: Zing).
Trong một hội nghị cuối năm 2018, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), từng thẳng thắn nhận định thực trạng tình kinh doanh đồng hồ tại Việt Nam có đến 80-90% là hàng giả.
Thực tế, nhận định này là có cơ sở, bởi thông qua kiểm tra, cơ quan quản lí thị trường tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh đồng hồ giả, đồng hồ kém chất lượng.
Đơn cử, tại nhiều khu vực chợ ở TP HCM như chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Bình, Phú Lâm… có hơn chục cửa hàng đồng hồ nhỏ lẻ, bán đủ sản phẩm của các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp, tùy vào nhu cầu của khách.
Họ giới thiệu là điểm phân phối đồng hồ chính hãng của các thương hiệu. Tuy nhiên, việc chính hãng đến đâu là rất khó phân biệt, bởi khách hàng chỉ dựa vào sự "tin tưởng vì được giới thiệu", hoặc "đã từng mua ở đây".
Chuyên gia của của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá đây là tình cảnh chung của khách hàng khi chọn mua đồng hồ hiện nay, tức các giao dịch mua thường phụ thuộc vào độ uy tín cửa hàng.
Một kênh phân phối quan trọng khác của đồng hồ vài năm gần đây là hàng xách tay. Tuy nguồn gốc hàng chính hãng khá đảm bảo, giá cạnh tranh, nhưng nhược điểm lớn nhất là việc bảo hành có nhiều khó khăn.
Nắm bắt cơ hội ở thị phần kinh doanh đồng hồ, PNJ và DOJI là 2 chuỗi trang sức lớn đang lấn sân sang thị trường này. Mục tiêu của hai thương hiệu này là nhắm vào phân khúc tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao cần một địa chỉ uy tín sắm đồng hồ.
Sau 7 năm đặt chân vào thị trường đồng hồ, PNJ đã khai trương cửa hàng chuyên bán đồng hồ Flagship đầu tiên ngay đầu năm 2019 tại TP HCM.
PNJ bắt đầu thử nghiệm kinh doanh đồng hồ tại các cửa hàng thuộc hệ thống trang sức của mình từ năm 2012. Đến nay, doanh nghiệp này cho biết cung cấp ra thị trường đến gần 1.000 mẫu, thuộc 10 thương hiệu gồm MVMT, Tissot, CK, Citizen, Titoni…
Trên hệ thống của mình, PNJ niêm yết giá bán đồng hồ thấp nhất là 2,6 triệu đồng, một số mẫu lên đến hơn 70 triệu đồng.
"Thị trường đồng hồ Việt Nam đang rất bát nháo. Việc PNJ là điểm đến của sự đảm bảo hành chính hãng đang được khách hàng tin tưởng và lựa chọn", bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ, cho biết tại Đại hội cổ đông năm 2018 của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Dung, doanh nghiệp đang thu được kết quả khả quan từ ngành hàng này và sẽ đẩy mạnh kinh doanh trong năm nay.
7 năm lấn sân vào thị trường mới mẻ này, PNJ hiện đã có khoảng 20 cửa hàng chuyên kinh doanh đồng hồ, tập trung nhiều nhất tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm nay, doanh nghiệp đã khai trương cửa hàng chuyên bán đồng hồ Flagship đầu tiên nằm trong hệ thống chuỗi này.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy mảng kinh doanh đồng hồ và phụ kiện đang giúp PNJ có được biên lợi nhuận khá lớn. Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh này lên tới 60-70%, trong khi tỉ suất ở vàng trang sức là 30%, hay tỉ suất lợi nhuận gộp của toàn PNJ là 19%.
Tiếp nối PNJ, DOJI cũng mới "chen chân" vào thị trường này vào cuối năm 2018 với việc bán thử nghiệm tại các điểm kinh doanh. Đến thời điểm này, hãng cho biết mới cung cấp hơn 60 mẫu đồng hồ của 3 thương hiệu Emporio Armani, Michael Kors và Versace.
Trong báo cáo về thị trường bán lẻ đồng hồ tại Việt Nam của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cả PNJ và DOJI đều chọn khách nữ để kinh doanh đồng hồ, tập trung nhóm khách chuộng sản phẩm trang sức.
"Cả hai đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp với các mẫu có giá dưới 10 triệu đồng. Cơ cấu này là khá hợp lí, khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lí của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong", chuyên viên của VDSC từng đánh giá.
Tuy nhiên, ở thời điểm VDSC đưa ra báo cáo, TGDĐ vẫn chưa chính thức nhảy vào thị trường này. Lấn sân sang kinh doanh đồng hồ, ông lớn bán lẻ điện thoại, điện máy dường như lại tiếp tục đánh vào phân khúc đồng hồ chính hãng nhưng với mức giá rẻ hơn nữa, dao động chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng mà cả PNJ và DOJI đang bỏ trống.
Cụ thể, hiện TGDĐ đang cung cấp hơn 700 mẫu đồng hồ của 13 thương hiệu với mức giá từ vài trăm đến cao nhất cũng chỉ hơn 7 triệu đồng. Trong đó, phân khúc thấp từ vài trăm đến 3 triệu đồng chiếm khoảng 60% mẫu đồng hồ đang bán.
Trong khi đó, mức giá đồng hồ tối thiểu tại PNJ và DOJI lần lượt cung cấp là 2,6 và 4,6 triệu đồng. Như vậy, TGDĐ có thể đang tập trung vào nhóm các khách hàng bình dân khi chính thức bước vào cuộc đua bán đồng hồ.
Ghi nhận của phóng viên tại điểm kinh doanh offline đồng hồ đầu tiên của TGDĐ nằm trong một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ điện thoại TGDĐ tại quận Phú Nhuận, TP HCM, có khá nhiều khách hàng, cả nam và nữ đến tham quan, mua sắm trong tuần đầu tiên hãng mở bán.
Khu vực kinh doanh đồng hồ chiếm một phần nhỏ diện tích tại cửa hàng này và nằm nổi bật ngay cửa ra vào, để thu hút sự chú ý của khách. Việc trưng bày khá bắt mắt, chỉn chu theo phong cách hiện đại mà chuỗi này xây dựng thời gian qua.
Phần đông khách hàng tại đây cũng tập trung vào quầy đồng hồ có giá từ vài trăm đến 3 triệu đồng.
Người đứng đầu bộ phận bán lẻ điện thoại của TGDĐ cho biết hiện rất nhiều người xem đồng hồ là một phụ kiện thời trang. Để phối với trang phục, nhiều người phải có đến 5-7 chiếc đồng hồ, đặc biệt là nữ giới. Hãng xem đây là nhóm khách hàng chính nhắm đến khi đi bán đồng hồ.
Tuy nhiên, tương tự những tay chơi trước đó, hiện ông trùm trong ngành bán lẻ điện thoại cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm với đồng hồ.
Việc miếng bánh hấp dẫn sẽ vào tay ai vẫn còn nhiều bỏ ngỏ bởi theo các chuyên viên của VDSC, "bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng không hề dễ ăn", bởi nhu cầu về đồng hồ thực sự lớn nhưng không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng với giá đắt đỏ. Trong khi đó, giá cả từ hãng xách tay lại cạnh tranh và không phải bảo trì thường xuyên.