Ngày 22/2, UBND TP HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi với đại diện các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, những năm qua, BĐS là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Đây là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế. Trong 9.000 DN lớn trên địa bàn thành phố thì chiếm 30% là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Trong năm 2019, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư. 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn.
Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do qui định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, qui hoạch đô thị… chưa thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh kiểm tra, rà soát lại thủ tục pháp lí. Điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lí Nhà nước.
“Những điều này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các DN, đồng thời giảm nguồn thu ngân sách. Do đó, thành phố sẽ cùng với DN tháo gỡ những nút thắt trong lĩnh vực BĐS, nhất là qui trình thực hiện chủ trương đầu tư, cải cách hành chính, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng để DN có cơ sở hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai dự án”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Nói về những khó khăn, vướng mắc của DN BĐS trong việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn, ông Lê Hoà Bình – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết có nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố và sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, DN BĐS khi thực hiện các thủ tục pháp lí công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư để triển khai dự án thì dự án lại chưa có tên trong danh mục kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố.
Những trường hợp này, tới đây các cơ quan tham mưu sẽ xem xét, đánh giá sự phù hợp của dự án đối với định hướng phát triển nhà ở tại khu vực đã được xác định trong kế hoạch phát triển nhà ở. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ ban hành quyết định chủ trương đầu tư song song với việc cập nhật dự án vào kế hoạch phát triển nhà ở.
Đối với các dự án đã được công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư trước khi UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 nhưng chưa cập nhật, thành phố giao Sở Xây dựng cập nhật định kì hàng tháng các dự án vào kế hoạch.
Theo ông Bình, một vướng mắc nữa là việc lấy ý kiến thẩm định liên quan đến nội dung đề xuất thực hiện dự án nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố. Theo qui chế phối hợp hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan đầu mối tổ chức lấy ý kiến thẩm định.
Tuy nhiên, văn bản góp ý của các cơ quan phối hợp chưa thể hiện rõ việc thống nhất hay không đối với đề xuất của nhà đầu tư. Do đó, để tạo thuận lợi trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhà ở sử dụng quỹ đất hỗn hợp, UBND thành phố đã chấp thuận thành lập tổ chuyên gia.
Tổ chuyên gia gồm đại diện các sở, ngành, UBND quận/huyện; sẽ cho ý kiến về hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho Sở KH&ĐT tổng hợp, lập báo cáo thẩm định và trình UBND thành phố. Cùng lúc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chuyên gia được lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở để tham mưu cho thành phố công nhận chủ đầu tư.
“Trường hợp nhà đầu tư đảm bảo các điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, tổ chuyên gia sẽ tổ chức 1 lần họp để cho ý kiến và Sở Xây dựng sẽ trình UBND thành phố cả hai nội dung. Thực hiện được như vậy sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.