Cuối tuần qua, chính phủ đã bắt đầu gửi 1.400 USD trợ cấp trực tiếp cho gần như mọi người dân ở Mỹ.
Khoảng 400 tỷ USD sẽ được chuyển trực tiếp đến các hộ gia đình, các cá nhân có thu nhập ít hơn 75.000 USD/năm hay các cặp đôi đã kết hôn có thu nhập lên đến 150.000 USD, cũng như con cái của họ, chưa kể tín dụng thuế trẻ em hay trợ cấp thất nghiệp có trong gói này.
Số tiền chi trực tiếp có thể lên đến 5.600 USD, miễn thuế, cho một gia đình điển hình có bốn thành viên. Và giới chức Mỹ kỳ vọng khoản trợ cấp này sẽ thúc đẩy nền kinh tế.
Nhưng theo kết quả khảo sát 3.000 người của Ngân hàng Bank of America, phần lớn người dân Mỹ lại cho biết thay vì chi tiêu, 30% số người trả lời cho biết sẽ dùng chúng để trả nợ, 25% sẽ thêm vào tiền tiết kiệm, và 9% đem đi đầu tư.
Điều này có nghĩa là số tiền trợ cấp của chính phủ sẽ vẫn ở trong hệ thống tài chính và không tạo ra nhu cầu hàng hóa dịch vụ cho nền kinh tế thực.
Kết quả khảo sát của công ty Mizuho Securities cho biết khoảng 10% số tiền trợ cấp 400 tỷ nói trên sẽ được đầu tư vào chứng khoán hay tiền ảo như bitcoin.
Một cuộc khảo sát khác của Ngân hàng Deutsche Bank cho thất những người tham gia khảo sát sẽ đầu tư trực tiếp một phần lớn (37%) khoản trợ cấp nhận được sắp tới vào chứng khoán, trong khi con số này ở hai đợt kích thích trước đó vào năm 2020 chỉ là 8%.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán rằng với kế hoạch của ông Biden, "các hộ gia đình sẽ là nguồn nhu cầu lớn nhất đối với chứng khoán Mỹ trong năm 2021".
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã xác lập nhiều kỷ lục mới hai ngày liên tiếp sau khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật gói kích thích nói trên hồi tuần trước, giữa lúc giới đầu tư đang kỳ vọng khoản tiền này sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhưng với triển vọng như trên, không rõ các khoản tiền kích thích có thể kích cầu tiêu dùng như kỳ vọng của thị trường hay không.