Grab và Gojek có tái đàm phán sáp nhập trước thềm IPO?

Grab và Gojek không muốn "về chung nhà" nhưng đó là điều các nhà đầu tư muốn. Định giá của Grab và Gojek cộng lại dừng lại ở con số 24 tỉ USD.

Giá cổ phiếu của Sea Ltd liên tục tăng trên Sàn giao dịch New York khiến nhà đầu tư vào các đối thủ Grab và Gojek không khỏi "thèm thuồng".

Nikkei cho biết giá cổ phiếu của Sea đã tăng 5 lần trong năm nay và có thời điểm đưa giá trị vốn hóa của Sea chạm mốc 100 tỉ USD. Cùng thời điểm, định giá của Grab và Gojek cộng lại dừng lại ở con số 24 tỉ USD.

Gojek và Grab, các siêu ứng dụng cùng cạnh tranh ở mảng gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán điện tử, được cho là đang đàm phán sáp nhập trong gần 1 năm trở lại đây. Theo Nikkei, thương vụ Grab và Gojek đã nhiều lần dừng đàm phán song lại trở lại bàn làm việc vì các nhà đầu tư yêu cầu mạnh mẽ.

Giờ đây, khi cổ phiếu của Sea vụt sáng thành ngôi sao trên sàn chứng khoán, áp lực đè nặng lên Gojek và Grab đang lớn hơn bao giờ hết.

Hưởng lợi từ hành vi người dùng thay đổi do Covid-19, doanh thu của Sea Ltd trong quý III năm nay đã tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mốc 1,21 tỉ USD, chủ yếu thúc đẩy nhờ mảng thương mại điện tử Shopee.

Sự phát triển của Sea cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng tiến của giới đầu tư vào nền kinh tế số của Đông Nam Á.

Theo đó, nền kinh tế số ở khu vực sẽ chạm mốc 309 tỉ USD, tăng lên gấp gần 3 lần dung lượng của năm 2020, theo báo cáo mới từ Google, Temasek và Bain & Company. Giá cổ phiếu của Sea như một minh chứng cho thấy các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ Đông Nam Á. Sea là một trong những cổ phiếu công nghệ hiếm hoi tại đây đang giao dịch trên sàn Mỹ.

'Cha đẻ' Shopee, Garena khiến nhà đầu tư Grab và Gojek nóng ruột - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu của Sea tăng gần 5 lần trong năm 2020. (Ảnh: Nikkei).

Các nhà đầu tư vào Grab và Gojek kì vọng pháp nhân hợp nhất của công ty này đủ sức thu hút sự quan tâm tương tự như những gì Sea đang có khi thực hiện IPO. Bên cạnh đó, việc Gojek và Grab hợp nhất cũng giúp chúng có lãi nhanh hơn khi chi phí vận hành và cạnh tranh giảm xuống đáng kể.

"Tôi nghĩ tất cả các nhà đầu tư vào Grab và Gojek đều nghĩ rằng Grab có định giá 14 tỉ USD, Gojek có định giá 10 tỉ USD. Hãy kết hợp chúng lại và thực hiện IPO, chúng ta có thể có vốn hóa 50 tỉ USD", một nhà đầu tư vào Grab nhận định với Nikkei.

Điểm mấu chốt của việc Grab hợp nhất vào Gojek là quyền kiểm soát Indonesia, thị trường lớn nhất của cả hai. Lúc này, nhiều cấu trúc đã được đề xuất, trong đó có cả phương án ông Kevin Aluwi và Andre Soelistyo, hai người đồng CEO của Gojek, sẽ quản lí vận hành ở Indonesia và báo cáo cho ông Anthony Tan, CEO Grab.

Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề mà Grab và Gojek chưa đạt đồng thuận. Khả năng sáp nhập, nếu có, sẽ phải cần thêm nhiều tháng đàm phán nữa và kế hoạch IPO vì thế vẫn còn là câu chuyện của tương lai xa.

'Cha đẻ' Shopee, Garena khiến nhà đầu tư Grab và Gojek nóng ruột - Ảnh 2.

Tài xế Grab và Gojek trên đường phố Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Nikkei).

Hồi đầu tháng 12, ông Kevin Aluwi và Andre Soelistyo nói với nhân sự của mình rằng không có "lí do áp lực nào" để Gojek đồng thuận thương vụ với Grab. "Chúng ta trường vốn và có đủ nguồn lực để vận hành và phát triển trong nhiều năm nữa", hai người đồng CEO Gojek nói.

"Tôi cho rằng ban quản trị của Gojek và Grab đều do dự song rất thực tế", một nhà đầu tư vào Grab nói. "Cả hai bên đều đã khước từ sáp nhập song quay lại đàm phán nhiều lần. Đến một thời điểm nào đó, áp lực từ các nhà đầu tư sẽ khiến họ chốt thương vụ", ông nói thêm.

Bên cạnh sự ảnh hưởng về mức tăng của cổ phiếu Sea thì một lí do để khiến cho hai bên đều kì vọng sáp nhập, đặc biệt là phía Grab, là họ phải thành thanh toán khoảng 2 tỉ USD cho Uber (hãng gọi xe công nghệ Mỹ) nếu như không thực hiện IPO được trước thời điểm tháng 3/2023. Đây là một phần thỏa thuận khi Grab thâu tóm mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018.

Nhà đầu tư đang đổ xô vào các mã cổ phiếu công nghệ tại Mỹ trong năm nay. Đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư vào Grab cũng như Gojek.

Thành tích của Sea trên thị trường chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư nóng ruột, song việc Sea ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Indonesia cũng khiến hợp nhất trở thành cách tốt nhất của Gojek và Grab có thể cạnh tranh ở thị trường quan trọng.

Ở Indonesia, GoPay (Gojek) và OVO (Grab) đang là những cái tên dẫn đầu thị trường thanh toán số. Dịch vụ thanh toán cực kì quan trọng với các siêu ứng dụng bởi đó là chìa khóa níu giữ người dùng trong hệ sinh thái. Dù vậy, trong vài tháng gần đây, Shopee Pay của Sea đang cạnh tranh khốc liệt và lấy đi phần thị phần tương đối.

Dù là người đi sâu, Shopee Pay nhanh chóng thu hút sự chú ý bằng những chiêu khuyến mại "khủng" ở thời điểm mà cả Grab và Gojek thận trọng với chiến lược "đốt tiền" của mình. Mới đây, Gojek cũng đóng cửa một số dịch vụ để thực hiện tái cơ cấu.

Thế nhưng, nếu Grab và Gojek chấp thuận sáp nhập, các "kì lân" sẽ phải giải quyết các vấn đề liên quan đến chống độc quyền. Grab không lạ gì vấn đề này khi từng đối mặt với nhiều vụ kiện khi thâu tóm Uber năm 2018.

Thị trường then chốt sẽ là Indonesia, nơi Grab và Gojek đang là những cái tên lớn nhất ở mảng giao đồ và gọi xe.

Chia sẻ về việc Grab và Gojek sáp nhập, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: "Chúng tôi không có lí do gì để can thiệp. Nếu họ muốn sáp nhập, đó là việc của họ". Tuy nhiên, đằng sau chia sẻ trên, chính phủ Indonesia có thể đang đặt ra nhiều câu hỏi nếu thương vụ thực sự được thực hiện.

"Họ là các công ty tư nhân, vì thế chính phủ không có chức năng can thiệp", một nhân sự cấp cao trong chính phủ Indonesia, nói với Nikkei. Dù vậy, ông nói thêm rằng trong thực tế, chỉnh phủ muốn duy trì cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty. 

"Nếu thực hiện sáp nhập và tạo ra một công ty lớn kiểm soát thị trường, người tiêu dùng có thể sẽ không hưởng lợi", ông nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.