'Hà Nội cần có giải pháp giảm ùn tắc giao thông'

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng thủ đô đang đứng trước hai thách thức cần có giải pháp hữu hiệu là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.
'Hà Nội cần có giải pháp giảm ùn tắc giao thông' - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. (Ảnh: Võ Hải).

Phát biểu tại phiên khai mạc họp HĐND TP Hà Nội sáng 3/12, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, bên cạnh thành tựu đạt được, thủ đô đang đứng trước nhiều khó khăn và áp lực trong quá trình phát triển.

Thách thức đầu tiên được ông Lưu đề cập là vấn nạn ùn tắc giao thông. Hà Nội đã nhiều lần bàn các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc, nhưng do dân số tăng cao, hiện trên 10 triệu người, cộng với áp lực của quá trình đô thị, công nghiệp hoá nên ùn tắc vẫn diễn ra.

Bên cạnh đó, ông Lưu cho rằng việc giảm ùn tắc chưa hiệu quả do phương tiện giao thông cá nhân tại thủ đô tăng quá nhanh, trong lúc hạ tầng chưa theo kịp, giao thông công cộng còn hạn chế. "Hà Nội cần có giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông, cả với ôtô và xe máy", ông nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, thủ đô cũng đang đứng trước thách thức về ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí. "Cứ mở trang mạng ra rất sốt ruột với ô nhiễm bụi mịn", ông Lưu nói.

Ông lưu ý dù Hà Nội đang có đề án làm sạch các dòng sông, ao hồ trên địa bàn, song bụi bẩn từ công trình xây dựng, phương tiện giao thông cũ nát, than tổ ong... đang hàng ngày tác động đến môi trường thủ đô. "Ô nhiễm không khí, bụi bẩn như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn hạn chế lượng du khách đến với Hà Nội", Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Báo cáo của UBND TP gửi đến kì họp HĐND lần này cũng nêu vấn đề xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền Hà Nội cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20%.

Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định "đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân"; do vậy đề án sẽ được triển khai thận trọng.

họp HĐND TP Hà Nội kéo dài đến 6/12.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến về hai phương án "phân vùng hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030".

Trong đó, phương án một là hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030. Phương án hai là hạn chế xe máy theo vành đai. Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.