Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều tuyến đường ngập tràn phượng vĩ như dọc bờ sông Tô Lịch, dọc bờ sông Sét, các tuyến đường ở quận Ba Đình hay ở những tuyến đường trong khu dân cư, các khu đô thị lớn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới, các quận, huyện đã bắt đầu triển khai tổ chức cắt tỉa những cành phượng già, có nguy cơ đổ gãy, dễ gây tai nạn cho người đi đường.
Tại KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai) sáng 2/6, các tuyến phố Linh Đường, Nguyễn Hữu Thọ và một số đường nội khu có nhiều phượng đã được tổ chức cắt tỉa, hạ thấp chiều cao.
Một số người dân ở KĐT Linh Đàm chia sẻ, họ từng cho rằng cây xanh đổ gãy chỉ gây cản trở phương tiện, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau vụ việc cây phưởng bật gốc khiến một học sinh tử vong ở TP HCM mới đây, mọi người bắt đầu nhìn nhận lại về mức độ nguy hiểm của cây phượng vĩ.
Trước đó vào sáng ngày 26/5, một cây phượng được trồng trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, TP HCM bất ngờ bật gốc làm nhiều học sinh bị thương và 1 em tử vong.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngay sau đó đã chỉ đạo các công ty cây xanh, các quận, huyện cắt tỉa cây xanh trong trường học. Nhiều khả năng trong những ngày tới, công tác rà soát cây xanh sẽ được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn Thủ đô.
Là loài cây cho bóng râm mát, tạo cảnh quan đô thị cũng như dễ trồng, dễ phát triển, phượng vĩ được trồng rất nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Hải Phòng...
Tuy nhiên, phượng vĩ có tuổi thọ không cao. Cùng với đặc tính là giòn và dễ gãy, mùa mưa bão dễ gây nguy hiểm với người đi đường nên phượng vĩ nằm trong danh sách hạn chế trồng trong đô thị.