Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết các trường cần chủ động đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích. Trong đó, cần kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, lũ lụt... để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.
Kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lí thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường; kiểm tra hệ thống điện tại các phòng chức năng, phòng học, thí nghiệm...
Các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp học bơi, học kĩ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ hè.
Sở cũng lưu ý các trường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; quản lí chặt và thường xuyên kiểm tra an toàn tại các phòng thực hành, thí nghiệm, căng tin, hệ thống điện...
Ngoài ra, phải chú ý thực hiện theo các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang đến trường, trước khi vào lớp, giờ ra chơi; các hoạt động tập trung đông người phải đảm bảo việc phòng dịch bằng sát khẩu nơi tổ chức, rửa tay, đeo khẩu trang.
Trong buổi họp báo về sự việc cây phượng bật gốc xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) sáng 26/5 làm nhiều học sinh bị thương, trong đó một em tử vong, ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lí hạ tầng kĩ thuật Sở Xây dựng cho biết, cây xanh đô thị, vỉa hè, công viên do Sở Xây dựng hoặc UBND các quận huyện quản lí, tùy phân cấp. Còn đối với cây xanh ở công sở thì thuộc các đơn vị công sở.
Đặc biệt, là cây phượng thuộc cây hạn chế, không phù hợp trồng ở đô thị nên Sở đã không trồng hoặc loại bỏ loại cây này. Cây phượng trong trường học do nhà trường quản lí.
Sau sự việc đau lòng trên, Sở Xây dựng sẽ tiến hành rà soát, chỉ đạo các quận huyện, trung tâm hạ tầng kĩ thuật, đơn vị quản lí các cây xanh đô thị kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh trên thành phố.
Ông Lê Hoài Nam cho hay, việc quản lí cây xanh trong trường học thuộc về hiệu trưởng. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, đốn cây gì phải qua cơ quan chuyên môn.
Đốn cây trong trường phải làm giấy xin phép, phải có cơ quan chức năng thẩm định, xử lí, còn hiệu trưởng không được tự ý thực hiện việc đốn cây.