Trước kì họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri được đưa ra từ trước và sau kì họp thứ 7, trong đó có giải pháp qui hoạch giao thông đô thị trên địa bàn.
Cụ thể, cử tri cho rằng TP hiện có nhiều dự án xây nhà cao tầng, mật độ dày mà không mở rộng đường, dẫn đến giao thông của Thủ đô tắc nghẽn, môi trường xuống cấp.
Đường Phạm Văn Đồng đang đường mở rộng và làm đường trên cao. (Ảnh: Di Linh).
Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các qui hoạch gồm: Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Qui hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND TP Hà Nội, trong các qui hoạch trên đều định hướng tỉ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20%-26% đất xây dựng; vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 55%; tỉ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18%-23% đất xây dựng; vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 26%; năm 2030 khoảng 43%; tỉ lệ đất giao thông các thị trấn chiếm 16% - 20%.
Nhằm cụ thể hóa qui hoạch nêu trên, Hà Nội đã triển khai lập, phê duyệt 57/68 đồ án đồ án qui hoạch chung, qui hoạch phân khu; trong đó chỉ tiêu về tỉ lệ đất giao thông, mật độ mạng lưới đường trong các quy hoạch đều đảm bảo tuân thủ định hướng quy hoạch chung Thủ đô và qui chuẩn xây dựng Việt Nam.
Về giao thông tĩnh, UBND TP Hà Nội cho biết, qui hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn được HĐND TP thông qua tại kì họp tháng 12/2018 đã xác định quĩ đất, vị trí các bến bãi đỗ xe phục vụ công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, đô thị, giảm ách tắc giao thông.
Có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đang "ồ ạt" xây dựng nhà cao tầng trong khi quĩ đất dành cho giao thông không nhiều làm xuất hiện nhiều "điểm đen" ùn tắc giao thông. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Hà Nội cũng đã và đang triển khai, hoàn thiện các qui hoạch về GTVT; cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng; phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lí phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường".
"Tuy nhiên, do còn khó khăn hạn chế về nguồn vốn đầu tư về hạ tầng kĩ thuật, giao thông công cộng, vướng mắc trong GPMB các công trình giao thông nên tỉ trọng đất giao thông khu vực đô thị hiện có mới đạt 9,38% (chỉ tiêu đạt 10-13% đất đô thị vào năm 2020) đất đô thị", UBND TP Hà Nội cho biết.
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, hiện tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng mới đạt khoảng 13,78% (chỉ tiêu 20-25% vào năm 2020) do tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị, một số dự án hạ tầng giao thông chậm.