Lâu nay, trong các cấp học hiện hành chỉ duy nhất có bậc tiểu học được miễn học phí đáp ứng yêu cầu phổ cập. Do nhu cầu phát triển về cả kinh tế, xã hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục sẽ miễn phí cả bậc THCS để thực hiện phổ cập ở bậc học này.
Hiện nay, đa phần các địa phương đã thực hiện phổ cập THCS. Ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã phổ cập nhiều năm nay. Vì vậy, đề xuất miễn học phí bậc học này được đa số các Sở GD&ĐT cả nước ủng hộ trong các buổi lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Giáo dục.
Hà Nội đề xuất miễn học phí cho học sinh dân lập. Ảnh: Tiến Tuấn.
Hiện nay, mức thu học phí ở bậc học này cũng giữ ở mức thấp. Tại Hà Nội, học sinh THCS phải đóng cao nhất là 110.000 đồng/tháng, thấp nhất là 14.000 đồng/tháng.
Ông Hoàng Văn Thi, PGĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa bàn về học phí cho rằng việc sửa đổi luật theo hướng miễn học phí THCS xét về mặt chủ trương thấy rõ tính ưu việt.
“Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn vì thực tế trong thời gian vừa qua, ngân sách nhà nước đáp ứng cho hoạt động giáo dục chiếm 20% ngân sách nhà nước, nhưng nhiều địa phương chỉ đạt mức chi 10-15%, cá biệt có nơi dưới 10%. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có thể thực hiện đồng loạt” - ông Thi nêu ý kiến.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại kiến nghị nên xem xét miễn hoặc có hình thức hỗ trợ đối với học sinh học tập tại các trường dân lập để tạo sự bình đẳng, giúp các em không bị thiệt thòi. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh đồng đều, bình đẳng về phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học.
Đây là đề xuất từ nhiều năm nay của các nhà giáo, nhà quản lý. Việc học sinh theo học hệ dân lập bị thiệt thòi khi phải “gánh” toàn bộ chi phí từ cơ sở vật chất đến lương giáo viên, tiền ăn uống, đi lại khiến cho nhiều trường dân lập càng lên cấp cao càng khó thu hút học sinh.
“Nếu học sinh công lập tiểu học được miễn học phí, được thành phố đầu tư chi phí đào tạo 3 triệu đồng/học sinh/năm thì học sinh dân lập hoàn toàn không được hưởng các khoản hỗ trợ này.
Điều này là không công bằng vì không phải gia đình học sinh học dân lập nào cũng có kinh tế khá. Việc thiếu công bằng trong chính sách này chẳng khác gì phân biện có công dân loại 1, loại 2”, bà Lê Thị Chính - hiệu trưởng trường phổ thông Newton - thắc mắc tại hội nghị tuyển sinh của Hà Nội.
Bên cạnh đề xuất miễn học phí đến bậc THCS, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên bổ sung, xem xét miễn học phí cho trẻ bậc mầm non.
Ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam - cho biết: “Nếu đề xuất miễn đóng học phí, Bộ GD&ĐT nên mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non. Nếu không thể được, có thể nghiên cứu đề xuất miễn học phí đến đối tượng phổ cập”.
Đề xuất này dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ trẻ được đi học đạt 98,75%.
Còn một hiệu trưởng trường mầm non ở Bắc Ninh mong muốn cấp học mầm non được miễn phí như tiểu học. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đặc biệt ưu tiên lứa tuổi mầm non. Việc miễn học phí tạo điều kiện cho cả gia đình và nhà trường trong công tác dạy và học, đặc biệt ở những vùng, sâu, vùng xa, việc huy động trẻ đi học còn nhiều khó khăn.