Hà Nội đề xuất tăng phí thuê vỉa hè gấp 3 lần, tăng giá trông giữ xe

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất HĐND phương án tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè cao gấp 3 lần mức phí hiện tại. Cùng đó, giá trông giữ phương tiện trên các tuyến phố cũng được nâng lên gần gấp đôi so với hiện tại.

​​​​​​UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP về việc sửa đổi, bổ sung quy định thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Thủ đô. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm nhất là mức điều chỉnh đối với giá trông giữ phương tiện. Quy định mới sẽ tập trung vào việc nâng mức phí đối với những khu vực lõi đô thị, cần hạn chế dừng đỗ phương tiện.

Cụ thể, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.

ha noi de xuat tang phi thue via he gap 3 lan tang gia trong giu xe

Hà Nội đang đề xuất mức thu phí trông giữ xe cao hơn hiện tại nhằm hạn chế phương tiện cá nhân hoạt động trong nội thành

Ngoài ra, các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng đối với các tuyến phố từ Vành đai 1 đến đô thị lõi (250%); từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành. Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iPaking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.

Cùng đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới, sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 1/1//2018. Cụ thể, xe máy tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ô tô/tháng.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định giá dịch vụ trông giữ phương tiện được đề xuất điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường nên cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Qua đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh tốt hơn.

“Đây cũng là biện pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung”, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Theo đồ án quy hoạch giao thông – vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào có tổng số 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346,60 ha.

Đến nay đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát các vị trí có đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện với khoảng 1.500 điểm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.