"Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè", là tất cả tình mến thương với những hàng cây xanh Hà Nội thân thuộc, một Hà Nội rất nên thơ.
Màu xanh bao phủ Hà Nội những năm đầu 1993. (Ảnh: Hans-Peter Grumpe) |
Với nhiều người khi nhớ về một Hà Nội cổ kính, họ thường gắn với những hình ảnh cụ thể. Đó là những dãy phố có kiến trúc tương đồng, cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, ga Hà Nội…, hay đơn giản chỉ là những hàng cây xanh rợp bóng xanh mát.
Lần tìm về hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ 20, thường bắt gặp nhiều tấm ảnh phố phường mộc mạc với hàng cây xanh bao phủ mọi nơi.
Nhưng khi nội đô đang bước vào thời “bê tông hóa”, những hình ảnh đó chỉ còn là ký ức được ghi lại qua thước phim, tấm ảnh tư liệu in hằn dấu vết thời gian.
Những năm 1990, ven hồ Tây có rất nhiều cây xanh. Cả con đường từ Yên Phụ lên Quảng Bá như một rừng cây bạt ngàn. (Ảnh: Hans-Peter Grumpe) |
Từ Văn Miếu nhìn rộng ra khu trung tâm Hà Nội mướt màu xanh cây cối. (Ảnh: Hans-Peter Grumpe) |
Hà Nội đang bị bê tông hóa?
Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, thành phố xanh là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Cây xanh, công viên… những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Không chỉ là lá “phổi xanh”, là máy điều hòa không khí tự nhiên,… mà còn gắn bó thân thiết với con người, với môi trường sống và với sự phát triển của đô thị.
Thế nhưng ở Hà Nội, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị là 2-3m2/người, trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người, nghĩa là cây xanh đô thị ở Hà Nội chỉ bằng 1/5-1/10 tiêu chuẩn thế giới.
Diện tích cây xanh tại một số đô thị trên thế giới: Tokyo (Nhật Bản) 7,5 m2/người; London (Anh) 26,9 m2/người; Singapore 30,3 m2/người; Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người; Paris (Pháp) 25 m2/người; Moscow (Nga) 44 m2/người; Berlin (Đức) 50 m2/người và ở Stockholm (Thụy Điển) 68 m2/người… |
Trong vòng chưa đầy 10 năm, hàng loạt khu đô thị chung cư, những công trình “thế kỷ” như: tổ hợp vui chơi giải trí, trung tâm thương mại... Diện tích không gian xanh phải nhường chỗ cho sự phát triển chóng mặt của những tòa cao ốc là tất yếu.
1 đoạn đường Kim Mã khi vẫn còn hàng cây bên hồ Thủ Lệ vẫn lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng. |
Nhiều dự án nhà không được các nhà thầu chú trọng bổ sung hạ tầng xã hội như: bệnh viện, trường học, chỗ vui chơi, chợ... và càng bỏ quên việc tạo không gian xanh.
Theo lý thuyết, khu đô thị khi được xây dựng mới phải đảm bảo một diện tích nhất định dành cho cây xanh. Nhưng thực tế, cây xanh ở Hà Nội chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị.
Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) là ví dụ điển hình của thành phố hiện đại, đông đúc, có một “rừng” bê tông và nhà cao tầng mà vẫn có không gian xanh.
Bất cứ chỗ nào có đất trống, bỏ không, người dân Nhật sẵn sàng trồng thêm cây, ngược với lối tư duy đô thị kiểu cũ chỉ thích bê tông hóa tối đa.
1 khu vực toàn chung cư tại Vĩnh Tuy. |
Đường Lê Văn Lương bị "o ép" bởi hàng loạt những dự án nhà cao tầng mọc lên. |
Khu bán đảo Linh Đàm từng có thời gian được ví là nơi đáng sống nhất Hà Nội. |
"Tổ ong thế kỷ" tại khu đô thị Linh Đàm. |
Trong khi đó ở Hà Nội, hàng loạt “lô đất vàng” lần lượt biến thành những dự án bất động sản tầm cỡ, những khối bê tông cốt thép “quây” người dân vào một cụm không gian mà ở đó rất thiếu vắng cây xanh.
Hà Nội đang khắc phục?
Sau Đề án thay thế cây xanh đô thị gây tranh cãi năm 2015, Hà Nội quyết tâm lấy lại hình ảnh của thành phố xanh.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong năm 2016, thành phố đã trồng mới được 270.000 cây, và đang tiến đến mục tiêu 1 triệu cây xanh vào năm 2020.
Nếu kế hoạch thành công, thì tỷ lệ cây xanh/người ở Hà Nội sẽ tăng lên đáng kể, dẫu có thể chưa giúp thành phố đạt chuẩn Liên Hợp Quốc.
“Không phải cứ có đất là trồng, phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về các điều kiện tự nhiên cho phù hợp và hiệu quả” - KTS Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam. |
Sau khi được đánh chuyển, những cây có thể tái sử dụng được chăm sóc ở Gia Lâm để trồng lại để trồng lại trên các tuyến đường khác. Chi phí để chăm sóc những cây kiểu này chưa được tiết lộ. |
"Cách đây hai năm, Hà Nội có chủ trương thay thế cây xanh lâu năm, bị già cỗi, sâu mục dễ gãy đổ mỗi khi mưa bão để trồng cây mới nhằm bảo đảm an toàn cho môi trường sống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, do yếu kém trong điều hành, quản lý của ngành chức năng cũng như sự vô trách nhiệm của một số cán bộ đã dẫn đến việc hàng trăm cây xanh lâu năm đang phát triển tốt bị chặt hạ hàng loạt, gây bức xúc trong nhân dân và bị công luận phản đối.
Thế nhưng, việc trồng cây như thế nào cũng cần phải được nghiên cứu kỹ. Không phải cứ có đất là trồng. Chúng ta đã có bài học về việc trồng quá nhiều cây hoa sữa ở một số tuyến phố, gây ngột ngạt, khó chịu, thậm chí nhiều người bị dị ứng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, buộc cơ quan chức năng đã phải chặt bớt.
Thời gian qua, việc ồ ạt trồng cây hoa ban, vốn chủ yếu sống ở vùng núi cao Tây Bắc nước ta cũng khiến không ít chuyên gia phản đối.
Theo các chuyên gia, cây xanh trong đô thị phải đa dạng sinh học, là những loại cây thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện sống trong đô thị, thân cây thẳng, tán rộng bốn mùa xanh tươi, rễ ăn sâu, hoa trái đẹp, có mùi hương, không gây độc hại (như sấu, bàng Đài Loan, phượng vĩ, bằng lăng, muồng vàng…).
Mỗi đường phố chỉ nên trồng nhiều nhất là hai loài cây. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cần chọn cây có đường kính gốc từ 10cm đến 20cm và cao 5m-6m, để cây được trồng nhanh phục hồi và phát triển", lược trích trên báo Nhân Dân.
Quản lý cây trồng mới là việc không đơn giản. Không ít cây mới trồng được vài tháng đã chết vì nhiều nguyên nhân. |
Cũng phải nói thêm rằng, để tiến đến con số 1 triệu cây vào năm 2020 là chặng đường dài và gian nan. Vì thực tế, Hà Nội đang nỗ lực trồng cây nhưng không phải cứ nỗ lực là đạt được kết quả như mong muốn.
Bởi, số lượng cây vừa trồng đã chết trên các tuyến phố, con đường Hà Nội không phải ít. Số tiền đánh chuyển, chăm sóc những cây trong diện “giải tỏa” để trồng lại cũng không phải con số nhỏ.
Những ảnh hưởng trực tiếp dễ thấy
Đầu tháng 6 năm nay, Hà Nội phải hứng chịu đợt nóng khủng khiếp nhất trong 45 năm qua (nhiệt độ ngoài trời có lúc vượt ngưỡng 40 độ C). Nắng nóng trên diện rộng do biến đổi khí hậu, gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Khi đó, nhiều người mới thấy tiếc nuối những hàng cây xanh đã bị chặt bỏ. Hà Nội trở nên nóng hơn vì hiệu ứng bê tông với hàng loạt chung cư cao tầng, mật độ xe cộ nhiều và ít cây xanh.
Hà Nội không có nhiều con phố bảo đảm sự hài hòa giữa tự nhiên và nhân tạo. |
1300 cây xanh tại đường Phạm Văn Đồng sắp bị đánh chuyển. |
Một số chuyên gia từng nhận định rằng, ở Hà Nội lượng cây xanh và ao hồ còn rất ít, mặt đường và vỉa hè chủ yếu là bê tông nên nhiệt độ càng cao hơn.
Việc quy hoạch xây dựng nhà cửa quá chen chúc không quan tâm đến việc trồng cây xanh là nguyên nhân dẫn đến thời tiết ngày càng nắng nóng. Để giảm nhiệt độ do nắng nóng, mỗi gia đình phải tạo ra khoảng cây xanh trên nóc nhà, tường… hạn chế làm nhà bằng kính vì vật liệu này cách nhiệt kém.
Sự thịnh vượng của một thành phố không chỉ tính trên số cao ốc mà còn là những giá trị tinh thần con người được thụ hưởng để cảm nhận được chất lượng sống ngày một đi lên. Trong số đó, nhu cầu được sống trong những không gian xanh là những giá trị ngày càng được săn đón.
Hàng cây trên phố Phan Đình Phùng. |
Thế giới hôm nay đang phát triển theo hướng đô thị xanh, nhằm tạo dựng môi trường sống bền vững, thân thiện giữa con người với thiên nhiên, trước hiểm họa của biến đổi khí hậu và sự ô nhiễm bầu không khí ngày càng tăng do chính con người gây ra. Hà Nội và các đô thị Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó.
Chi phí đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng "ngốn" bao nhiêu tiền?
9h sáng nay (18.10), đơn vị thực hiện dự án thi công cây xanh lớn nhất cả nước đã huy động công nhân, máy móc ... |