HĐND TP Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng xã hội trong một số các khu đô thị, khu dân cư được đầu tư xây dựng chỉ để phục vụ cho một số đối tượng người dân nhất định, người dân thu nhập thấp thường không được hưởng lợi ích từ hệ thống hạ tầng xã hội này.
Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, trong phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố chiều 14/10, HĐND TP thông tin trong các khu đô thị, khu nhà ở còn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo đó, Hà Nội có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ hai ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai. Trong đó, khoảng 98 dự án cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khoảng 168 dự án chưa hoàn thành.
Hiện nay, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực.
Nguyên nhân do phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hưởng khác; hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng, việc chưa đồng bộ khớp nối đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra, như khu vực Lê Trọng Tấn, Hòa Lạc...
Một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật, gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiến nghị của người mua căn hộ lên chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước.
Một số dự án khu đô thị, khu nhà ở thường xây dựng kéo dài, chủ đầu tư ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở trước để kinh doanh, trong khi đó hệ thống hạ tầng xã hội thường được đầu tư xây dựng sau hoặc chuyển giao cho các đơn vị cấp 2.
Ngoài ra, một số dự án Khu đô thị, khu nhà ở hệ thống hạ tầng xã hội được xã hội hóa về đầu tư (các trường học, công viên), việc xã hội hóa đầu tư với mục đích huy động nguồn lực của xã hội, giảm nguồn vốn ngân sách Thành phố hiện còn khó khăn.
Tuy nhiên, do các công trình được đầu tư xây dựng chỉ để phục vụ cho một số đối tượng người dân nhất định, người dân thu nhập thấp thường không được hưởng lợi ích từ hệ thống hạ tầng xã hội này.
168 dự án khu đô thị, khu nhà ở chưa hoàn thành (dự án đã được giao đất, đã GPMB đang triển khai đầu tư xây dựng), do chậm triển khai dẫn đến chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉ được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đã GPMB, chưa hoàn chỉnh chỉ kết nối một phần với hạ tầng chung của khu vực.
Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... chưa tốt;
Quản lý đất đai, đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch.... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.
Đặc biệt, các ô đất xây dựng hạ tầng xã hội thường nằm trên phần diện tích đất chưa GPMB, chủ yếu chưa đầu tư xây dựng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội chậm triển khai, không kết nối đồng bộ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị Thành phố.
"Thu hồi các dự án có chủ đầu tư chây ì, năng lực kém"
Trong phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra nhiều dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian dài nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, theo chủ trương đầu tư được duyệt.
Cụ thể, nhiều dự án mặc dù đã được chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhưng việc khắc phục hiệu quả chưa cao, chậm chuyển biến; quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả.
Giám sát đầu tư thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ; chưa rõ về nhiệm vụ của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong công tác theo dõi, quản lý dự án đầu tư, cũng như chưa xử lý kiên quyết các vi phạm theo quy định;...
Một số đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt không phù hợp với hiện trạng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số quy hoạch dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chậm được điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
GPMB tại một số dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được thực hiện quyết liệt, chậm được tháo gỡ; Nhiều chủ đầu tư dự án chưa đảm bảo về năng lực, cố tình chây ì, không thực hiện, dẫn đến các dự án hạ tầng xã hội chậm được triển khai hoặc không đủ điều kiện để triển khai. Có dự án chậm tiến độ nhiều năm, nhiều vi phạm nhưng chưa được thu hồi, xử lý theo đúng quy định.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND Thành phố tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục các tồn tại trên, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.
UBND TP sẽ có các giải pháp, lộ trình cụ thể (rõ cơ quan, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ sự phối hợp và rõ tiến độ) để hoàn chỉnh toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kế hoạch tổng thể sẽ hoàn thành trong tháng 11/2022, báo cáo HĐND Thành phố tại Kỳ họp thứ 10.
UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các dự án thành phần, hạng mục chưa được thực hiện, chậm triển khai và công khai tiến trình thực hiện để cử tri, nhân dân giám sát.
"Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định và nghiên cứu để công khai thông tin, đưa vào tiêu chí để không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn Thành phố" - Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.