Vào giờ cao điểm, trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, TP Hà Nội (đoạn lối vào cổng bệnh viện Nhi Trung ương) nhiều lúc ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Giao thông có lúc hỗn loạn.
Gần 1 năm nay, người dân đã rất quen thuộc với người phụ nữ đứng ra giữa đường, cầm cây gậy nhựa và thổi những tiếng còi lớn để phân làn giao thông.
Bà Thư chia sẻ: Tháng 9/2018, một khu trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương bị cháy. Thấy xe cứu hỏa, cứu thương nối đuôi nhau xếp hàng vì tắc đường, bà đã vội vàng ra hỗ trợ dẹp các phương tiện khác cho xe chạy vào. Mặt mũi bà lấm lem, người ngợm nhếch nhác. Kể từ đó, bà bén duyên với công việc điều tiết giao thông ở trước cổng bệnh viện, mặc dù không được ai phân công hay nhờ vả, tất cả công việc bà làm là tự nguyện.
"Mấy hôm đầu, thấy tôi đứng giữa đường cầm gậy chỉ chỏ, mọi người sống xung quanh đều thấy lạ. Có người bảo tôi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhiều người đi đường thì ngoái lại cười cợt, nghĩ tôi bị điên. Nhưng về sau mọi người cũng quen dần, đến nay cũng đã gần 1 năm".
Bà Thư chia sẻ thêm, có lần trong lúc đang điều tiết giao thông thì bị một phương tiện xe máy va phải vào gót chân, khiến bà đau cả tuần trời.
"Nhiều người dân còn ý thức kém lắm, họ chỉ biết vội vã cho riêng bản thân mình mà không chịu tuân thủ, nhường nhịn, thành thử giao thông có lúc hỗn loạn. Lực lượng chức năng đâu phải lúc nào cũng có mặt, do đó mỗi lần thấy tắc đường tắc là tôi lại cầm cây gậy ra hỗ trợ. Sợ nhất là lúc xe cấp cứu đến mà không vào được bệnh viện thì tội lắm", bà Thư tâm sự.
Phút nghỉ ngơi của bà Thư sau cả tiếng phân luồng giao thông ở mặt đường. Đôi mắt bà vẫn không quên nhìn ra ngoài để sẵn sàng đứng dậy khi đường lại tắc.
Video bà Thư điều tiết giao thông vào giờ cao điểm trên đường Đê La Thành.