UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời cử tri quận Cầu Giấy và quận Hà Đông trước kỳ họp thứ 2 - Khóa XVI HĐND TP Hà Nội về kiến nghị xem xét đánh giá hiệu quả của các dự án tuyến buýt nhanh BRT, trong đó có tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã.
Hà Nội cho biết tuyến buýt nhanh BRT01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được thành phố chính thức vận hành từ ngày 1/1/2017, đây là một loại hình xe buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai tại TP Hà Nội.
Hiện nay, tuyết buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã phục vụ hành khách đi lại từ 5h đến 22h hàng ngày; khoảng 3-15 phút/lượt với 378 lượt/ngày đối với ngày thường. Riêng Chủ nhật 7-15 phút/lượt với 264 lượt/ngày.
Sau 4 năm vận hành, sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. UBND TP Hà Nội nêu số liệu tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu (tăng 6,3% so với năm 2017); sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt (tăng 3,7% so với năm 2018); năm 2020 giảm 2,6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thành phố cũng cho biết, trong giờ cao điểm, bình quân xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa – Kim Mã vận chuyển 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển từ 95-110 hành khách/lượt.
Đáng chú ý, hành khách chuyển sang sử dụng vé tháng để đi lại trên tuyến thay vì đi vé lượt, khách sử dụng tháng tăng 21,9% trong khi vé lượt giảm 14,5% trong năm 2018; sang năm 2019, vé tháng tăng 12,1%, vé lượt giảm 11,8%.
Số lượng hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng 1 tuyến trên BRT bình quân trong tháng là 2.200 người. "Đa phần hành khách hài lòng và đánh giá chất lượng dịch vụ của tuyến có những ưu điểm, thuận lợi hơn rất nhiều so với các tuyến buýt thông thường khác", văn bản của UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt
Về quan điểm của thành phố tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của tuyến BRT Yên Nghĩa – Kim Mã, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Theo kế hoạch "thành phố tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả làn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT, phát huy lợi thế tuyến buýt nhanh làm cơ sở đánh giá, nghiên cứu, đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt: Các tuyến đường có nhiều làn xe có số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, làn đường ưu tiên phải đáp ứng yêu cầu, phù hợp với công tác tổ chức giao thông".
UBND thành phố cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt.
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công và tuyến đường Võ Văn Kiệt.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, thành phố nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên, gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ.
Về giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông và môi trường của dự án xe buýt nhanh BRT, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng duy trì và tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trên hành lang BRT, hạn chế tình trạng phương tiện ô tô, xe cá nhân đi vào làn đường dành riêng cho BRT.
Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ hành khách gửi xe trung chuyển sang sử dụng BRT; nghiên cứu triển khai tăng cường tiện tích phục vụ hành khách; khắc phục những sự cố liên quan đến nhà chờ, phương tiện BRT để đảm bảo ổn định dịch vụ của tuyến.
Được biết, ngoài làn đường ưu tiên cho tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, Hà Nội hiện có một tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Tuyến đường dài 1,3 km, đưa vào sử dụng năm 2014.
Hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) là một trong ba hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu xây dựng thí điểm một tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt BRT để tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên trục giao thông từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện,... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng)
Tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, đi theo lộ trình Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa.