Hà Nội - Từ mục tiêu ném bom đến chủ nhà hội nghị hòa bình

Nhiều báo quốc tế nhận định Hà Nội đã chuyển mình thành công sau chiến tranh để đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, thể hiện chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Ngày 18/12/1972, đoàn máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ sân bay U-Tapao ở Thái Lan và căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để bắt đầu "chiến dịch lớn nhất trong lịch sử không quân", theo miêu tả của một sĩ quan không quân Mỹ.

Điểm đến của họ là Hà Nội, với nhiệm vụ đánh bom thành phố được coi như pháo đài kiên cố nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhiệm vụ này được thực hiện liên tiếp trong 11 ngày, theo CNN.

Giờ đây, gần 50 năm sau cuộc tấn công, Hà Nội trở thành điểm đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. Đây cũng là năm Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" được UNESCO trao tặng ngày 16/7/1999.

Với những thành tựu thu được sau Đổi Mới, tờ The Diplomat nhận định hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ làm rõ chính sách đối ngoại đa phương và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực.

Hà Nội - Từ mục tiêu ném bom đến chủ nhà hội nghị hòa bình - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt tại khách sạn Metropole, Hà Nội, tối ngày 27/2. (Ảnh: Nhóm phóng viên).

Chuyển mình từ "vết sẹo chiến tranh"

Năm 1954, Hà Nội là nơi sinh sống của 53.000 người và chỉ rộng 152 km2. Ngày nay, thủ đô của Việt Nam có diện tích hơn 3.000 km2 với dân số hơn 7 triệu người. Các tòa nhà chọc trời thi nhau mọc lên ở khu vực ngoại ô. Cửa hiệu và nhà hàng xuất hiện khắp nơi.

Công cuộc tái tạo thành phố kể từ khi chiến tranh kết thúc là một trong những lý do giúp thành phố được chọn cho hội nghị quan trọng với ông Kim. Đối với Washington, Việt Nam là bằng chứng cho thấy thù hận không nhất thiết phải tồn tại mãi mãi. Đối với Bình Nhưỡng, Việt Nam là ví dụ tham khảo sống động cho quá trình mở cửa trở thành nền kinh tế sôi động, CNN bình luận.

Trong ký ức của nhiều người dân thủ đô trước năm 1954, Hà Nội là thành phố rất yên tĩnh, lãng mạn, lâu đời, đầy giá trị lịch sử và truyền thống. Khu phố cổ với những con đường và cửa hiệu nhỏ, rất ít thấy xe ôtô.

Hà Nội đã hứng chịu những đợt tấn công tàn khốc nhất trong cuộc chiến chống Mỹ vào cuối năm 1972, khi Mỹ triển khai chiến dịch Linebacker II.

Quang cảnh Nhà hát Lớn, Hà Nội, năm 1976 và năm 2019. (Ảnh: Getty).


Tiến sĩ Carl Bartecchi của Đại học Colorado đến Hà Nội trước năm 1997, khi thành phố còn rất khác so với hiện nay.

"Thành phố từng là những cánh đồng lúa. Bạn sẽ thấy trâu bò và những người dân đang làm việc", ông Bartecchi nói và cho biết thêm "bây giờ có rất nhiều tòa nhà mọc lên, những cây cọ được trồng hai bên đường. Nhiều cây cầu đi vào thành phố cũng được xây mới. Tuy nhiên khu phố cổ gần hồ Hoàn Kiếm không thay đổi nhiều. Đó là một địa điểm xinh xắn".

Kể từ năm 1986 với chính sách Đổi Mới, Hà Nội bắt đầu chuyển mình và ngày một phát triển. CNN dẫn lời một Việt kiều cho rằng ông Trump và ông Kim sẽ được chứng kiến thủ đô Hà Nội không phải là vết sẹo của chiến tranh, thay vào đó là một thành phố hiện đại, "với những cây cầu treo mới vắt qua sông Hồng, những con đường đi qua nhiều nhà cao tầng, nhà máy, cửa hiệu, nhà hàng, quán cà phê và khách sạn".

"Họ sẽ thấy một thành phố đã hồi phục sau cuộc chiến tàn khốc và đang phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu - một đô thị tự tin vào cam kết vì tương lai", Việt kiều này nói.

Tâm điểm chú ý của thế giới

Giữa tâm điểm chú ý của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Hà Nội cũng trở thành biểu tượng cho chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam những năm qua.

Trong bài bình luận đăng ngày 27/2, tờ The Diplomat cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ làm nổi bật những khía cạnh đối ngoại của Việt Nam, bao gồm sự tham gia vào các vấn đề ngoại giao và khu vực, cũng như mối quan hệ với Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Hà Nội - Từ mục tiêu ném bom đến chủ nhà hội nghị hòa bình - Ảnh 3.

Việt Nam được đánh giá đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Tiến Tuấn).


Trong những năm gần đây, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, tập trung liên tục vào việc tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng trong tiểu vùng Mekong; đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Đông Nam Á; trở thành trung tâm kinh tế và chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; và xây dựng mối quan hệ với một loạt các cường quốc - như với Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh và bình thường hóa quan hệ hoặc với Trung Quốc và Nga.

Hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ cho thấy rõ vai trò của Việt Nam trong công tác ngoại giao thượng đỉnh, tiếp nối các sự kiện trước đó như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, nơi Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng. Giờ đây, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sẽ đặt Hà Nội vào trung tâm của vấn đề Triều Tiên và chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, The Diplomat nhận định.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ thu hút sự chú ý của thế giới không chỉ với chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam, mà còn chú ý đến tất cả các phương diện khác như lý do Hà Nội được chọn hay lợi ích của Việt Nam với cương vị nước chủ nhà. Điều này sẽ tiếp diễn vào năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN, tiếp nối tiếng vang với vị trí này vào năm 2010.

Ngoài việc tạo cơ hội hợp tác Việt - Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh, tờ The Diplomat nhận định Hà Nội cũng sẽ tăng cường hợp tác với Triều Tiên, như một phần của mối quan hệ truyền thống, và với Hàn Quốc khi Tổng thống Moon Jae In thi hành "chính sách hướng nam mới".

Hội nghị sẽ nhấn mạnh sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam với tư cách một quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc.

Hai ông Donald Trump và Kim Jong Un cùng ăn tối tại Hà Nội.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.