Hà Nội xác định phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ 'mũi nhọn' trong tháng 8/2020

Tháng 8/2020, Hà Nội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu KT-XH. Đặc biệt, coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Ngày 31/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội phát đi thông cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020, theo Kinh tế đô thị. 

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép”

Ngày 29/7/2020, tại trụ sở HĐND - UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 của UBND Thành phố.

Theo đánh giá, tháng 7 và 7 tháng năm 2020, các đơn vị của Thành phố đã bám sát và triển khai quyết liệt, toàn diện nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu KT-XH.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2020, KT-XH Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tháng 7 có khởi sắc song tăng trưởng vẫn hạn chế: một số khoản thu ngân sách từ các doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu tụt giảm, mới đạt 73% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm; các đơn hàng sản xuất chậm lại, nguồn cung nguyên vật liệu bị cản trở, gián đoạn; thị trường du học buộc phải hủy bỏ; hoạt động của chuyên gia nước ngoài tại địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 của UBND Thành phố. (Ảnh: Kinh tế Đô thị).

Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 của UBND Thành phố. (Ảnh: Kinh tế Đô thị).

Xác định phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp và nhanh chóng tại nước ta. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến chiều hôm nay (31/7), Việt Nam ghi nhận tổng số ca nhiễm là 509, tiếp nhận điều trị 136 người. Tính đến sáng ngày 31/7, TP Hà Nội ghi nhận 2 ca nhiễm mới. 

Tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 dự báo kinh tế Thành phố sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực, đòi hỏi các cấp, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần hết sức cố gắng, nỗ lực quản lí, điều hành.

Trong đó, coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bám sát, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Kích hoạt khẩn cấp các biện pháp phòng chống Covid-19 trên toàn thành phố

Tập thể UBND Thành phố thống nhất kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn Thành phố như giai đoạn 1, giai đoạn 2 đã thực hiện; khởi động lại toàn bộ hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng dịch các quận, huyện, thị xã và đội phản ứng nhanh tại cơ sở.

Trong đó, giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 3 - giai đoạn phức tạp và khó khăn hơn các giai đoạn trước.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn; các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện thị xã khởi động ngay các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt, tập trung hơn nữa để kịp thời ứng phó, ngăn chặn hiệu quả các ca mắc mới, không để lây lan rộng trong cộng đồng. Ngoài ra, các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện, trang thiết bị đáp ứng công tác phòng dịch.

Các đơn vị nêu trên cần giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, lên phương án bố trí lực lượng, cán bộ thường xuyên ứng trực 24/24/7 để kịp thời xử lí các tình huống xảy ra. Các diễn biến mới của dịch bệnh cần bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp. 

TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác. Đồng thời khuyến khích người dân chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… 

Chống dịch Covid-19, Hà Nội tạm dừng hoạt động lễ hội, quán bar,... bắt đầu từ 29/7. Thành phố cũng xác định đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm trong mọi kịch bản có thể xảy ra.

Đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

TP yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lí, điều hành ngân sách, chi ngân sách hiệu quả.  Bên cạnh đó sẽ cân đối nguồn lực của Hà Nội để ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm, đầu tư phát triển hạ tầng các huyện xa trung tâm, hạ tầng kết nối liên quận/huyện và 5 huyện chuẩn bị phát triển thành quận. 

Chính quyền thành phố sẽ tập trung rà soát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đẩy nhanh các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố năm 2020.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cam kết của Thành phố sau Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển cũng là một yêu cầu quan trọng; bên cạnh việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020).

TP sẽ tổ chức tăng ca, tăng nhân lực, vật lực thi công các công trình, dự án trên địa bàn Thành phố, rút ngắn thời gian thi công nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình, vệ sinh môi trường tại khu vực. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. 

Ngoài ra, một nội dung quan trọng trong thông cáo mà UBND TP Hà Nội đưa ra là khẩn trương hoàn công tác xét tuyển giáo viên hợp đồng.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.