Hà Nội xem xét nới lỏng từ 15/9, các địa phương chủ động lên kế hoạch cụ thể

Một số hoạt động dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được xem xét nới lỏng lần lượt sau ngày 15/9 và 21/9. Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn sau hai mốc này.
Hà Nội xem xét nới lỏng từ 15/9, các địa phương chủ động lên kế hoạch cụ thể - Ảnh 1.

Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau 15/9 và 21/9. (Ảnh: ZingNews).

Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, những ngày vừa qua, thành phố đã đạt được một số kết quả trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.

Cũng trong chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 thành phố Hà Minh Hải đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, đến 18h ngày 13/9, thành phố đã xét nghiệm được gần 2,8 triệu mẫu và đã tiến hành tiêm được gần 4,8 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Riêng trong hôm qua, Thành phố đã tiêm thêm 573.000 mũi vắc xin cho người dân.

Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn sau ngày 15/9 và ngày 21/9. 

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo đối với việc phong tỏa, cách ly các trường hợp F0, các đơn vị phải triển khai các phương án với phương châm nhanh nhất, gọn nhất, khoanh đúng và thu hẹp tối đa điểm phong tỏa, cách ly để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. 

Bên cạnh đó, phải triển khai khẩn trương hơn nữa việc xét nghiệm diện rộng. Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế phối hợp với các quận huyện rà soát lại cơ sở dữ liệu; điều phối và phân bổ vắc xin phù hợp, hoàn thành nhanh nhất kế hoạch xét nghiệm và tiêm chủng đã được đặt ra.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các sở, ngành liên quan để rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15/9. 

Hiện nay, thành phố đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc đi lại của công nhân giữa các vùng và cụ thể việc tổ chức ăn ở cho công nhân ra sao để phòng dịch. 

Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện giải quyết ngay những khúc mắc này, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất,...

Hiện nay, Hà Nội đang trong đợt giãn cách thứ 4 theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tối 6/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 20 về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu nhằm trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 để thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. 

Thành phố đặt mục tiêu xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn Thành phố để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.