Chồng mất, vợ nối nghiệp
Mặc dù đã ở cái tuổi 70, nhưng Bà Nguyễn Thị Mạnh, (trú tại khối 7 phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh), vẫn hàng ngày đạp xe đến cắt cỏ, chăm nom hương khói cho hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài.
Chúng tôi gặp bà Mạnh, vào buổi chiều tại Nghĩa trang Liệt sĩ, mặc dù bận rộn với công việc hàng ngày, nhưng bà vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện ngày xưa.
Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, nơi cất giữ gần 2.000 mộ Liệt sĩ. |
Kể về cuộc sống của gia đình mình, bà Mạnh cho biết, vào năm 1961 chồng bà, ông Nguyễn Đình Vịnh (SN 1940) tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau khi trở về quê nhà, dù đang mang trên mình di chứng chiến tranh, nhưng ông vẫn cần mẫn, chăm lo công việc nhà đến công việc xã hội.
Với mong muốn tri ân những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, nên 14 năm trước ông đã nhận công việc tiếp quản, chăm sóc các Nghĩa trang liệt sĩ tại Núi Nài. Trọn tình với công việc được 14 năm thì ông mất. Trước lúc ra đi, ông Vịnh muốn người vợ của mình tiếp tục thay ông làm việc này, nên bà Mạnh đã từ bỏ cả công việc yêu thích hàng ngày, để nối theo nghiệp chồng.
|
“Trước lúc mất ông nói, sau muốn tôi sẽ kế nghiệp thay ông gìn giữ, bảo quản Nghĩa trang, làm để có thể tri ân những đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống. Nên tôi đã bỏ nghề buôn bán ngoài chợ, là nghề mà tôi yêu thích để thay ông chăm nom tại đây”, bà Mạnh chia sẻ.
Hoàn cảnh gia đình
Kế nghiệp của người chồng đã mất hơn 2 năm, bà Mạnh luôn thực hiện trọn vẹn công việc của mình. Một công việc có lẽ như đã đánh vào tiềm thức của bà, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm bà vẫn lặng lẽ làm việc mà không đòi hỏi thêm bất cứ quyền lợi gì.
“Nhiều người bảo tôi làm một ngày được có mấy chục ngàn thì làm làm gì. Nhưng thực ra tôi làm đây, tôi không đòi hỏi quyền lợi gì, tôi làm là vì cái tâm của mình. Có điều rất hay, khi ở nhà thì mệt, nhưng cứ lên đây là người nó khỏe hẳn ra”, bà Mạnh vui vẻ nói.
Đằng sau một người phụ nữ hết mình vì công việc xã hội, một người luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan nhưng ít ai biết phía sau đó là bao nỗi cay đắng tủi hờn. Ngày trước, bà sinh hạ được 6 người con, nhưng chỉ nuôi được 3 người vì do ảnh hưởng của chất độc da cam để lại.
Hàng ngàn ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ |
Liên tiếp chịu nhiều đau thương mất mát, giờ đây mặc dù đã ở tuổi 70, cái tuổi được con cháu chăm lo an dưỡng, nhưng bà Mạnh vẫn đang phải một mình lo cho 2 đứa cháu dại. Bố mất, mẹ đi bước nữa, nên Nguyễn Thị Hồng Thương (SN 1997) chỉ mới chạm chân vào lớp 7 đã phải nghỉ học, còn em Nguyễn Thị Thắm (SN 2006) mới học đến lớp 4 cũng nghỉ học chỉ vì những lời trêu chọc của bạn bè.
“Nhiều lúc nghĩ số phận mình sao trớ trêu thế. Cứ nhìn mấy đứa cháu mà thương đứt ruột, 2 đứa đáng nhẽ ở tuổi ăn học nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cha mất sớm, mẹ bỏ đi bước nữa nên hai đứa cháu không có cơ hội được ăn, được học như bao đứa trẻ khác”, bà Mạnh tủi hờn nói.
Ngoài chăm lo cho công việc tại nghĩa trang, bà Mạnh còn phải chăm lo phụng dưỡng cho hai đứa cháu dại. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hương, Chủ tịch phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, được xây dựng vào thời kỳ bao cấp. Ngày đó người dân tự đóng góp mỗi người một ít để xây dựng nghĩa trang. Ban đầu chỉ có khoảng 300 hài cốt nhưng hiện nay đã có gần 2.000 hài cốt liệt sĩ khắp cả nước. Hiện nay có hai người đang quản lý chăm sóc tại Nghĩa trang là bà Mạnh và ông Đại.
“Sau khi chồng mất, bà Mạnh đã ra làm tại đây được 2 năm, dù đã có tuổi nhưng bà Mạnh là một người có trách nhiệm với công việc. Hàng tháng Phòng LĐTB&XH phường Đại Nài phụ cấp cho bà 1,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống”.