CNN đưa tin, một bức thư từ nhóm các nhà lập pháp của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã gửi tới Facebook, nêu rõ giới chính trị gia muốn Facebook dừng ngay việc phát triển tiền điện tử của mình, cho đến khi các nhà quản lí có thời gian kiểm tra các kế hoạch và đưa ra quyết định cuối cùng.
Chủ tịch Ủy ban Maxine Waters, thuộc Đảng Dân chủ, đã từng đề xuất lệnh cấm vào ngày Libra được công bố. Bức thư mới thể hiện sự gia tăng áp lực lên tiền điện tử này, vốn cũng đã được các cơ quan quản lí trên toàn thế giới xem xét kĩ lưỡng.
Hơn 30 tổ chức đã gửi yêu cầu tương tự tới Facebook chỉ trong ngày 2/7. Theo đó, các hệ thống quản lí nước ngoài và Hoa Kỳ không sẵn sàng giải quyết các câu hỏi về "chủ quyền quốc gia, quyền lực doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng" và các vấn đề khác được đặt ra từ dự án.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Maxine Waters là một trong những người phản đối gắt gao Libra. (Ảnh: Politico).
Các nhà lập pháp cho biết họ muốn tổ chức các phiên điều trần công khai về "rủi ro và lợi ích của các hoạt động dựa trên tiền điện tử và tìm ra các giải pháp về mặt lập pháp". Ủy ban nêu rõ: "Thà chúng tôi lật đổ nó từ trong trứng nước, còn hơn để một hệ thống tài chính mới có trụ sở tại Thụy Sĩ trở nên quá lớn mạnh để lật đổ".
Tháng trước, Facebook ra mắt tiền điện tử Libra được định giá bằng chính tiền thật. Tiền tệ này sẽ được quản lí bởi Hiệp hội Libra với 29 thành viên khác nhau, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Libra được kì vọng sẽ trở thành một loại tiền kĩ thuật số ổn định, được chấp nhận rộng rãi, có thể tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới và giúp gửi tiền trực tuyến dễ dàng và tiết kiệm hơn.
Nhưng quy mô và tầm ảnh hưởng của Facebook đã khiến giới chính trị trở nên nhạy cảm. Facebook có 2,4 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Các nhà lập pháp lo lắng về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của số lượng người dùng khổng lồ này.
Mặc dù Facebook đã công bố chi tiết kế hoạch của mình cho Libra, nhưng các nhà lập pháp cho biết họ cung cấp "thông tin ít ỏi" về "ý định, vai trò, tiềm năng sử dụng và bảo mật" của tiền điện tử này.
Bức thư từ phía Hạ viên ghi rõ: "Nếu các sản phẩm và dịch vụ như thế được quản lí không đúng cách và không có sự giám sát đầy đủ, chúng có thể mang lại rủi ro nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của Mỹ và toàn cầu".
Ông chủ Facebook từng phải ra điều trần trước Quốc hội Mĩ vì bê bối để lộ thông tin người dùng vào năm ngoái. (Ảnh: CNN).
Ủy ban Dịch vụ Tài chính ngân hàng và Nhà ở Thượng viện đã lên lịch điều trần Facebook vào cuối tháng này, để xem xét tác động của Libra đối với hệ thống tài chính và quyền riêng tư của người dùng. David Marcus, người đứng đầu dự án Libra cho Facebook, sẽ tham dự phiên điều trần.
Hôm qua, Marcus cho biết Facebook đã cố tình công bố sớm kế hoạch ra mắt Libra, để trao đổi thông tin tốt với các nhà lập pháp, nhà quản lí, cũng như các doanh nghiệp.
Ông giải thích: "Lí do của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi muốn có được một cuộc thảo luận cởi mở. Việc ra mắt một đồng tiền kĩ thuật số chất lượng cao và hạ tầng hỗ trợ của nó không thể diễn ra một cách mập mờ".
Ông khẳng định, đây là cách duy nhất để Facebook có cơ hội tốt hơn phục vụ hàng tỉ người dùng, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Marcus cũng cho rằng Libra có thể giúp chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mĩ (Fed), Facebook đã liên lạc với Fed về kế hoạch ra mắt Libra. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang lo ngại về Libra. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi lãnh đạo các ngân hàng trung ương G7 soạn thảo các quy định với đồng tiền này trước cuộc họp vào tháng 8.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ việc phát triển tiền điện tử và vẫn cảnh giác với các rủi ro. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn tự tin rằng công nghệ không phải là mối đe dọa với an ninh tài chính toàn cầu hiện nay.