Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP |
Ngày 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 11 bộ, ngành về các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hiện nhiều thủ tục còn chồng chéo. Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần bộ thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế.
Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 bộ. Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi", Bộ trưởng Dũng dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, hiện còn sự độc quyền trong đánh giá khi có tình trạng bộ chỉ giao 1 cơ quan trong nước thực hiện giám định. Điều này dẫn đến tình trạng "chuyển hàng từ Bắc vào Nam và ngược lại chỉ để kiểm tra, giám định" làm tăng chi phí doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong việc kiểm tra thì áp dụng hình thức thủ công là chính, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp.
“Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ rà soát từng bộ, đi vào từng thủ tục, chứ không dừng lại chung chung, yêu cầu giải trình cụ thể, thủ tục nào cần, thủ tục nào không.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. |
43.000 tỷ đồng ông Trầm Bê nợ Sacombank: "Cơ quan pháp luật sẽ có thông tin" "Vụ án này đang được các cơ quan pháp luật xử lý vì vậy những thông tin liên quan sẽ được cơ quan pháp luật ... |