Hải Dương: Ngàn người ùn ùn đợi đò giữa thời dịch Covid-19
Hàng ngàn người chen chúc đợi xuống đò để sang sông.
"Run người" mỗi lần xuống đò sang sông
"Kinh hoàng! Gần tuần nay, cứ sáng đi làm và chiều đi về nhà, tôi phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ mỗi lượt. Người chen người, tắc cả nửa cây số. Ngửi mùi khói xe mà về đến nhà choáng váng như say xe", ông Nguyễn Đức Đoàn (Kinh Môn, Hải Dương) bức xúc phản ánh.
“Bình thường tôi đi bến đò khác nhưng bên đó cấm nửa tháng nên mọi người dồn hết sang bên này. Đông người thế này lo lắm, ách tắc lắm mà chẳng còn cách nào. Cả nước thực hiện giãn cách xã hội mà ở đây thì người đông như nêm thế này, bảo làm sao chống dịch? ”, chị Vũ Thị Thắm (Hải Dương) thở dài. "Chẳng còn đường nào khác nên vẫn phải chen nhau đi thôi!".
Ở nơi đây, công việc đảo lộn... chỉ vì chờ đò. Mỗi sáng, cả ngàn người nối nhau chờ từ 5h30 - 8h để qua sông. "Tôi đi làm sớm hơn trước rất nhiều mà vẫn đến muộn, không kịp chấm công, đến là bực", một nữ công nhân cho biết.
Tan ca trở về thì nhiều người lại mệt lả vì đợi đò từ 16h30 đến gần 19h. "Buổi sáng rời nhà không kịp ăn sáng mà tối về cũng không kịp ăn tối, quá khổ", ông Đoàn than thở.
Nhưng hơn cả nỗi sợ tắc nghẽn, chờ đợi... là nỗi sợ Covid-19.
"Cực chẳng đã chứ ai muốn chen chúc ngàn người với nhau giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thế này. Tôi lo lắm mà không biết làm sao", chị Thắm bộc bạch. "Dẫu ai cũng đeo khẩu trang đấy nhưng đợi lâu thì mọi người phải nói chuyện, mà nói chuyện san sát nhau thế này, ai biết thế nào?".
Từ ngày 30/3, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND cấp xã kiểm tra rà soát các bến đò, cầu phao, yêu cầu các chủ bến thực hiện ngay: Bắt buộc tất cả thủy thủ, nhân viên phục vụ, hành khách phải đeo khẩu trang bố trí nước sát khuẩn ở 2 đầu bến và yêu cầu hành khách sử dụng khi lên, xuống đò, cầu phao; Giảm 50% số lượng khách mỗi chuyến đò theo qui định; Niêm yết công bố SĐT đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương; Thường xuyên khử khuẩn tại 2 đầu bến dò, cầu phao (chỗ soát vé).
Từ ngày 1/4, tất cả các bến đò trên địa bàn tỉnh đều phải dừng hoạt động chỉ còn lại 2 bến phà Tuần Mây nối huyện Kim Thành với thị xã Kinh Môn và phà Giải nối huyện Thanh Hà với huyện Kim Thành được chở hành khách.
Theo ghi nhận tại bến phà Tuần Mây, do các bến nối huyện Kim Thành với thị xã Kinh Môn khác đều đã đóng cửa nên lượng khách dồn đến đây tăng rất lớn; thống kê sơ bộ cũng đã lên tới khoảng hơn 3000 khách mỗi ngày. Trong khi đó, bến phà này chỉ có 1 phà và 3 đò mini đang hoạt động.
Tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng khó có thể đảm bảo.
"Bất lực" vì lượng khách quá tải
Ông Hoàng Tuấn Long – Bến trưởng phụ trách bến phà Tuần Mây cho biết: Theo qui định, mỗi chuyến phà mini phải giảm 50% số lượng khách; mỗi chuyến phà tự hành chở không quá 20 người.
"Chúng tôi nắm được qui định và muốn thực hiện đúng để chung tay phòng chống dịch bệnh với cộng đồng nhưng đến nay, quả thực không thể kiểm soát nổi lượng khách. Nếu chấp hành theo qui định thì mỗi chuyến phà mini chỉ chở 12 người, mỗi chuyến tàu thép chỉ chở 20 người. Với 3000 khách mỗi ngày thì chúng tôi chở 24/24 giờ cũng không kịp", ông Long cho hay.
"Hiện lực lượng thủy thủ, nhân viên soát vé... của chúng tôi rất mỏng. Phục vụ 3000 khách là quá tải, quá gian nan".
Thực hiện theo đúng chỉ đạo, bến phà này đã yêu cầu tất cả thủy thủ, nhân viên phục vụ, hành khách phải đeo khẩu trang; bố trí nước sát khuẩn ở 2 đầu bến và yêu cầu hành khách sử dụng khi lên, xuống đò, cầu phao; Niêm yết công bố số điện thoại đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương; Thường xuyên khử khuẩn tại 2 đầu bến dò, cầu phao (chỗ soát vé).
Tuy nhiên, việc giảm 50% số lượng khách mỗi chuyến đò theo qui định vẫn không thể thực hiện hay nói cách khác là "bất khả thi" trong điều kiện hơn 3000 khách tập trung, chen chúc.
Vào giờ cao điểm, mặc cho lực lượng nhân viên bến phà yêu cầu xếp hàng, di chuyển lượng người lên phà theo đúng qui định mới, dòng người vẫn ùn ùn chen lấn kéo lên phà.
"Chúng tôi hy vọng, UBND tỉnh Hải Dương, Sở Giao thông vận tải sớm có phương án hỗ trợ, khắc phục chứ không thể đóng cửa đồng loạt các bến phà như hiện nay được. Chúng tôi căng mình thực hiện qui định, chỉ đạo nhưng không đủ nhân lực, sức lực", ông Hoàng Tuấn Long, Bến trưởng phụ trách bến phà Tuần Mây bày tỏ nguyện vọng.
Trời càng tối, lượng người đổ về bến đò càng đông.