Chém người vì cho rằng bị “bơm đểu”
Ngày 10/11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Trung (SN 1977, trú ở xã Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội) về tội “Giết người”.
Hai nạn nhân may mắn thoát chết dưới tay Trung là vợ chồng anh Nguyễn Huy Thủy (SN 1960), chị Nguyễn Thị Tiến (SN 1962), đều trú cùng thôn với bị cáo.
Theo hồ sơ truy tố, năm 2004, Trung phát triển khu ruộng của gia đình tại cánh đồng Chùa Me, xã Phúc Hòa thành mô hình vườn ao chuồng (VAC). Trong đó, có trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá kết hợp cây ăn quả.
Sau 10 năm phát triển, Trung muốn mở rộng trang trại, đồng thời sát cạnh trang trại của Trung là thửa ruộng của vợ chồng anh Thủy nên Trung đặt vấn đề đổi ruộng với gia đình anh Thủy nhưng không được khồng ý.
Sau đó, Trung tiếp tục quay sang ngỏ ý đổi ruộng với hộ gia đình bên cạnh và cũng không được như ý.
Về nhà nằm nghĩ ngợi nhiều ngày, Trung cho rằng chính vợ chồng anh Thủy đã “bơm đểu” người hàng xóm người kia khiến Trung không mở rộng được trang trại đã lên ý định trả thù.
Đến tối 28/11/2014, Trung hùng hổ mang theo con dao phay đến trang trại của gia đình anh Thủy. Lúc này, cả hai vợ chồng anh tủy đang ăn cơm nên khi nghe thấy tiếng chó sủa chị Tiến đã vội ra mở cổng thì Trung xộc vào trong lán trại.
Thấy anh Thủy đang ngồi ở mâm cơm, Trung lao tới không nói năng gì mà cứ thế cầm dao chém liên tiếp vào người anh Thủy.
Thấy vậy, chị Tiến liền hô hoàn thì bị Trung quay lại chém tới tấp vào người. Trước sự ra tay tàn độc của Trung, chị Tiến chạy sang trang trại bên cạnh kêu cứu.
Chưa chịu dừng lại, Trung lại quay lại chỗ anh Thủy rồi chém thêm nhiều nhát nữa tới khi anh Thủy gục tại chỗ mới dừng tay.
Sau khi gây án, Trung nhanh chóng bỏ trốn vào miền Nam. Cho đến đầu năm 2016, Trung bị bắt giữ về quy án.
Về phần vợ chồng anh Thủy, may mắn được người dân đưa đi cứu chữa kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.
Bị cáo Trung tại tòa. |
“Bị cáo gây án do thiếu kiềm chế”
Tại phiên tòa ngày 10/11, Trung bị truy tố về tội Giết người theo Điều 93-BLHS với các tình tiết định khung là côn đồ và giết nhiều người.
Tại tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi đánh, chém đôi vợ chồng người cùng thôn như nêu trên. Giải thích về hành vi côn đồ của bản thân, Trung trình bày: “khi đó do rất tức giận anh Thủy và không biết kiềm chế nên mới hành xử như vậy”.
Có mặt tại tòa, vợ chồng anh Thủy cho biết, ngay sau khi hung thủ bỏ đi đã được người thân cùng hàng xóm đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên bảo toàn được mạng sống.
Quá trình điều tra cho thấy, anh Thủy bị gần chục vết thương, trong đó có nhiều vết chém ở đầu với tỉ lệ tổn hại sức khỏe lên tới 67% còn vợ anh là chị Tiến cũng bị chém 2 nhát vào vùng đầu, thiệt hại 31% sức khỏe.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, mang tính chất côn đồ việc bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Việc VKS ND TP Hà Nội truy tố với các tình tiết định khung là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Được nói lời sau cùng, Trung mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm quay trở lại làm một công dân tốt, có ích cho xã hội và cộng đồng.
Sau giờ nghị án, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX cấp sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thành Trung 20 năm tù.
Về dân sự, Tòa án cũng buộc bị cáo phải bồi thường cho vợ chồng anh Thủy tổng cộng hơn 200 triệu đồng và được đối trừ 10 triệu đồng do gia đình bị cáo đã bồi thường, khắc phục cho các bị hại trong giai đoạn điều tra.
Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |