Dẫn lời truyền thông địa phương, tờ Reuters của Anh đưa tin nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev đã chính thức thâu tóm toàn bộ Công ty TNHH Sản xuất Bia SAB (Bia SAB) của Việt Nam, sau khi nhận được chấp thuận từ Bộ Công Thương.
Sau khi được sự chấp thuận từ Bộ Công Thương, việc sáp nhập sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2021 và Bia SAB Việt Nam sẽ không còn tồn tại. Theo đó AB InBev Việt Nam sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn các hợp đồng và nghĩa vụ tài sản của Bia SAB Việt Nam.
Toàn bộ nhân viên của Bia SAB sẽ trở thành nhân viên Anheuser-Busch InBev Việt Nam, với cùng vị trí làm việc, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân viên không thay đổi.
Công ty Anheuser-Busch InBev Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm kế thừa thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ và/hoặc liên quan đến hợp đồng lao động mà Công ty Bia SAB đã ký kết trước đó với người lao động.
"Công ty sau sáp nhập sẽ có đủ năng lực và nguồn lực để hoạt động với công suất cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tại thị trường Việt Nam", ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Pháp lý, Truyền thông và Đối ngoại khu vực Đông Nam Á cho hay.
Sau thương vụ sáp nhập, nhà máy bia của SAB sẽ sản xuất hai loại bia Budweiser và Beck's, trong khi nhà máy của Anheuser-Busch Inbev tại Bình Dương sẽ tiếp tục sản xuất loại bia Hoegaarden và một số sản phẩm cho thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á.
Việt Nam với dân số gần 98 triệu người, được coi là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực đối với các nhà sản xuất bia. Doanh số bán bia trung bình hàng năm tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2010 - 2020.
Anheuser-Busch InBev hiện là hãng bia lớn nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1366 tại Leuven (Bỉ) đến nay hãng bia này đang sở hữu hơn 500 thương hiệu bia, phủ sóng tại 150 quốc gia và có đội ngũ 170.000 nhân viên trên toàn cầu.
Các thương hiệu bia nổi tiếng của Anheuser-Busch InBev có thể kể đến như Budweiser, Stella Artois, Corona và nhãn hiệu quốc tế Beck's, Leffe, và Hoegaarden.