Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, công ty cũng báo cáo lợi nhuận giảm 62% xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua vì hàng tồn kho tăng lên 17,6% doanh thu trong quý đầu tiên. Cổ phiếu H&M sau đó trượt xuống mức thấp nhất gần 10 năm qua.
Nhà phân tích Chris Chaviaras của Bloomberg Intelligence cho hay: “Dấu hiệu đáng lo ngại này xuất phát từ hàng tồn kho chất đống”. Cổ phiếu H&M giảm 4,1% xuống còn 122,1 kronor Thụy Điển sau tin kinh doanh ế ẩm.
Tình hình kinh doanh tệ hơn dự báo của H&M từ đầu năm đến nay còn trầm trọng hơn vì thời tiết ấm áp ở châu Âu trong tháng 1, rồi lạnh hơn trong tháng 2. Điều này tác động đến việc kinh doanh của ngành bán lẻ, vì nhiều doanh nghiệp phải giảm giá mạnh hơn để thanh lý hàng tồn kho. CEO H&M Karl-Johan Persson cho hay công ty mắc sai lầm khi thu hẹp phạm vi phân loại hồi năm ngoái, song vẫn kỳ vọng doanh số sẽ cải thiện trong nửa cuối năm.
Ông Persson cho biết H&M có kế hoạch hạn chế giảm giá trong nửa cuối năm, khi doanh số bán hàng cải thiện. Ông dự báo công ty cũng sẽ hạ lượng hàng tồn kho xuống còn từ 12-14% doanh thu năm 2019.
Hãng bán lẻ đang tung ra thêm thương hiệu mới là Afound để bán quần áo từ nhiều thương hiệu khác nhau, trong đó có H&M, với giá giảm. H&M còn tính tung thêm ba trung tâm logistics tự động để tăng tốc độ giao hàng. Tháng trước, H&M dự báo doanh thu tại cửa hàng tương đương sẽ giảm trong năm nay trước khi quay đầu tăng lại trong năm sau.
“12-18 tháng tới là thời gian thách thức”, nhà phân tích Alvira Rao tại ngân hàng Barclays nhận định, cho rằng các sáng kiến kinh doanh của H&M có thể không đủ để tăng sức cạnh tranh.
H&M cho hay hãng duy trì mục tiêu tăng trưởng doanh số ít nhất 25% từ thương mại điện tử và các doanh nghiệp mới trong năm nay, dù không đạt nổi mức này trong quý 1/2018. Doanh thu thương mại điện tử tăng 20% trong khi doanh thu từ các doanh nghiệp mới tăng 15%. H&M cũng bắt đầu bán hàng online ở Ấn Độ, mở H&M trên dịch vụ Tmall của Alibaba ở Trung Quốc. Hai dự án này đang có khởi đầu tốt.