Hành trình tìm chữ giữa đêm của lũ trẻ trên đỉnh núi

Lũ trẻ ở buôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, phải đi xuyên rừng giữa đêm, vượt qua hai con suối, leo hàng chục dốc đá để đến trường.
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Con đường đi học đẫm mồ hôi

3h sáng, buôn H’Mông chìm trong giấc ngủ, đâu đó chỉ lác đác tiếng gà gáy và đom đóm còn lập lòe thì nhà Hóa đã sáng đèn. Nuốt vội bát cơm nguội tối qua, con bé vừa dụi mắt cho tỉnh ngủ vừa vội vàng sửa soạn đồ đạc để một tiếng sau đạp xe đi học.

4h sáng, trên núi trời vẫn tối đen, sương lạnh ngắt mịt mù. Đi dép nhựa, để đầu trần, Hóa buộc lên đầu cái đèn pin rồi đạp xe mất hút vào màn đêm.

Nhà Hóa nằm ở nơi sâu nhất của buôn Trong, gần cuối rừng, đi đến trường phải mất 15 km. Gần một nửa là đường núi, và đó cũng là quãng đường ám ảnh nhất với nữ sinh học lớp 6 này.

Đường toàn dốc lên xuống với cua gấp, đá tảng, đá hộc, đá dăm trải khắp nơi với ít nhất 5 con dốc và 2 con suối. Ánh sáng từ chiếc đèn pin gắn trên đầu con bé lắc lư, chao đảo như ngọn đèn trong cơn bão biển. Chiếc xe đạp nảy như bay, Hóa lái xe bằng kinh nghiệm sau những lần bị ngã.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Gọi là đạp xe nhưng được đạp thì ít mà dắt bộ thì nhiều. Đường đi toàn dốc với những hố đất sâu, ánh đèn không soi kịp. Người dân nơi đây kể mùa nắng, đường còn khô ráo, còn khi vào mùa mưa, mỗi lần đi học, các em ngã không biết bao nhiêu lần mà đếm.

Khổ nhất là đoạn qua suối, bên trên là cầu phao tạm không có thành cầu, dưới là nước chảy xiết, đá lởm chởm. Cây cầu hẹp được ghép bằng những tấm ván lâu năm nên yếu, người đi qua là rung bần bật. Mưa to, nước lớn thì trôi luôn cầu.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Hóa vẫn nhớ câu nói của bố ngày đầu tiên đi học, lúc em khóc vì thấy con đường tối đen như mực: "Không sợ ma đâu mà, bố đưa đi vài lần là quen". Thấm thoắt, đến giờ, Hóa đã có 3 năm kinh nghiệm đi học trên con đường này. Bây giờ không còn sợ ma, điều lo lắng nhất của cô bé là sợ muộn giờ học.

"Không biết trước sẽ bị ngã lúc nào, hay mưa đột ngột có khi sách vở trôi sông hết nên phải đi thật sớm", cô bé nói.

Khi Mặt Trời vừa chiếu qua cửa sổ lớp cũng là lúc nữ sinh lớp 6 đặt chân tới cổng trường. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi dính chặt vào người Hóa. 6 tiếng nữa, em lại tiếp tục hành trình 15 km để trở về lúc Mặt Trời đang ở trên đỉnh đầu.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

6h sáng, buôn H'Mông đã ríu rít tiếng nói cười của những em bé học mẫu giáo. Người lớn đã lên rừng làm rẫy, còn lũ trẻ con cũng bắt đầu í ới gọi nhau tới lớp. Điểm trường cách nhà tầm 5 km, những bàn chân nhỏ vừa đi vừa chạy bộ tới trường.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Với lũ trẻ con ở đây, đôi giày là thứ xa xỉ. Hầu như đứa nào cũng đi dép nhựa hoặc chân đất tới trường. Lâu rồi thành quen, chân ai cũng có những vết chai to tướng, còn da thì đen cháy vì nắng.

Mỗi buổi sáng đi học, đám trẻ sẽ được bố mẹ cho một hai nghìn mua kẹo. Chẳng biết có vì kẹo hay không mà những em bé ở buôn H'Mông rất thích đi học, thi thoảng lắm mới có đứa nghỉ vì bị ốm hay con nước quá to cuốn trôi mất cầu phao.

9h sáng, cánh rừng vẫn chưa yên ắng trở lại sau bước chân của lũ trẻ mầm non thì lại xáo trộn bởi lọc cọc tiếng xe đạp vì đã tới giờ đi học của Hương cùng các bạn lớp 8 trường THCS Hoàng Văn Thụ (cũng là trường của Hóa). Hương là chị gái Hóa, cô bé đã có tới 8 năm quen thuộc với từng hòn đá, ổ gà trên con đường nơi đây.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Giờ vào lớp của ca chiều là 12h30, nhưng mùa khô, Hương và các bạn phải đi từ 9h sáng để tránh cái rát của nắng rừng. Năm học trước, Hương được danh hiệu học sinh khá. Nỗi lo lắng lớn nhất của cô học trò này không phải những giọt mồ hôi mỗi lần đến trường, mà là có thể được tiếp tục theo học lên cấp ba hay không. Nhà Hương cùng 84 gia đình khác trên núi vẫn chưa có sổ hộ khẩu.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
Hành trình tìm con chữ lúc nửa đêm Những đứa trẻ ở buôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk phải thức dậy từ lúc 3h sáng để chuẩn bị đến trường

Buôn "sống tạm"

Hương và Hóa là hai đứa lớn nhất trong ngôi nhà có 5 con gái của anh Dương Văn Phình. Cách đây hơn 20 năm, anh Phình là cậu bé 13 tuổi, cùng bố theo chân dòng người di cư tự do lang thang đến mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ với mong muốn tìm sinh kế.

Từ Hà Giang di chuyển gần 2.000 km, anh Phình dừng lại tại Ea Kiết, bắt đầu làm rẫy. Đất ven phía ngoài phần thì xấu, phần lại hết, anh cứ đi vào sâu bên trong rừng, phát cây cỏ, trồng cà phê, hoa màu rồi ở luôn trong đấy, lấy vợ sinh con. Hầu hết người ở buôn H’Mông đều là dân di cư tự do như anh Phình.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Anh Dương Văn Phình và những cây cà phê của mình trên rẫy.

Ban chỉ đạo Tây Nguyên ước tính dân số Tây Nguyên giai đoạn 1975-2017 tăng hơn 6,5 lần, trong đó dân di cư tự do chiếm hơn nửa. Quá trình tăng dân số đột biến ảnh hưởng rất nhiều cảnh quan, hệ sinh thái và giá trị tài nguyên. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tỷ lệ che phủ rừng của Tây Nguyên liên tục giảm mạnh, từ 67% năm 1976 xuống còn 54,7% năm 2000 và chỉ đạt 43,5% năm 2017.

Dân cư nhiều đồng nghĩa lực lượng lao động tăng, trao đổi mua bán của vùng cũng phát triển. Tuy nhiên, lượng người tăng ngoài mức quy hoạch thì sẽ dẫn tới quá tải về nhiều thứ, trong đó có hạ tầng và đặc biệt là thiếu đất sản xuất, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... Biến đổi này vừa là động lực nhưng cũng là áp lực cho kinh tế Tây Nguyên.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Năm 1975, dân số Tây Nguyên khoảng một triệu người, đến năm 2017 là gần 6,5 triệu.

“Ở Hà Giang khó lắm, không có đất làm, không có cái ăn, phải đi vào đây từ năm 1996, tay không làm rẫy mà sống thôi”, anh Phình kể.

Sống thành một cụm dân cư, nhà anh Phình và người dân ở đây không ai có sổ hộ khẩu hay giấy đỏ. Đất họ đang cắm dùi làm ăn thuộc tiểu khu 540, 544, 547A do Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý.

Người dân ở đây đẻ nhiều, trung bình mỗi nhà có 4 đứa trở lên. Nhà đẻ để lấy con trai, nhà đẻ để có thêm lao động, có người thì "đẻ cho hết trứng"... Những đứa trẻ cứ thế sinh ra và lớn lên, và thậm chí còn chưa làm giấy khai sinh.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Dân số Tây Nguyên giai đoạn 1975-2017 tăng hơn 6,5 lần, trong đó dân di cư tự do chiếm hơn nửa.

Buôn H’Mông có hơn 80 hộ dân sinh sống, được gọi là buôn Trong, để phân biệt với buôn Ngoài, do Nhà nước thành lập khu tái định cư. Buôn Trong và buôn Ngoài cách nhau 13 km, đường xuyên rừng nhiều rễ cây và đá hộc, cắt ngang bởi hai con suối nước xiết.

Bao nhiêu cây cầu bắc qua suối, cứ trời mưa là đều sập. Khó khăn quá, dân buôn Trong phải làm cầu phao dù xập xệ, khó đi. Mùa mưa đến, nước to, cầu phao trôi, thế là cả buôn biệt lập với bên ngoài, đợi khi nước rút, mọi người mới đi tìm cầu, kéo về.

Dân ở buôn Trong muốn đi chợ phải ra buôn Ngoài mới có người bán. Buôn Ngoài được cấp đất làm dự án từ năm 2009, đến nay đã xấp xỉ trăm hộ, có chợ, trường tiểu học và trạm y tế. Buôn Trong không có điện, nhiều nhà sử dụng điện Mặt Trời. Sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không. Nước uống và nấu ăn lấy từ giếng khoan, còn tất thảy sinh hoạt khác thì đều ra suối.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Dòng suối nhỏ cạnh buôn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 80 hộ gia đình ở đây.

“Buôn Ngoài cái gì cũng có, chỉ đất trồng là không. Không có đất, mình đâu có cái ăn đâu”, anh Phình nói.

Ở buôn Trong không có sổ hộ khẩu, vợ chồng không thể đăng ký kết hôn với nhau. Thế nên, con sinh ra không được làm giấy khai sinh, hoặc chỉ có tên mẹ trong giấy tờ. Không khai sinh, không hộ khẩu, bọn trẻ không được đi học. Muốn có hộ khẩu, cư dân phải di chuyển ra buôn Ngoài ở, nhưng hiện tại ở đó quỹ đất đã không còn nhiều, đất canh tác không có. Nếu ra buôn Ngoài, không có ai ở lại canh rẫy trên rừng.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Buôn Ngoài cái gì cũng có, chỉ đất trồng là không. Sự lo lắng lớn nhất của người dân buôn H'Mông là đất canh tác.

Anh Mười, cháu họ anh Phình vào Ea Kiết từ ngày mới biết đi. Anh Mười lớn lên không có đất, đi làm thuê rồi xin mua lại đất của người đến trước. Không được đứng tên, không có hộ khẩu, anh vẫn dốc hết tiền dành dụm cất ngôi nhà khang trang để vợ con yên tâm ở, dù anh chị giờ cũng không giấy kết hôn.

“Mình biết mình ở đất của Nhà nước mà. Hồi trước đi họp cử tri, cán bộ có nói sẽ cấp đất, cấp giấy cho mình, nhưng mình phải xuống dự án mới được”, anh Mười nói.

Dân buôn Trong giờ ai cũng mong có một cây cầu chắc chắn, con đường đàng hoàng như lời cam kết rằng họ sẽ có sinh kế để làm ăn. Anh Phình nói: “Nhà nước còn thương dân là sẽ làm đường mà, chỉ mong sớm sớm cho mấy đứa con nó đi học”.

Con đường nào cho những đứa trẻ

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Ngày trước, hầu hết lũ trẻ đến trường đều phải đi bộ, nhà nào cố lắm thì mua được cho con cái xe đạp cũ. Mấy chục đứa, có lớn có nhỏ, sáng nào cũng lọ mọ dậy từ 2h, rồi đi bộ xuống trường. Trời mưa, chúng phải nghỉ hết ở nhà vì cầu qua suối sập hoặc trôi mất dạng.

Mấy năm nay, gần buôn Trong có phân hiệu mẫu giáo và tiểu học, mỗi sáng, lũ trẻ chỉ phải đi bộ khoảng 5 km tới trường. Những đứa trẻ lớn hơn đi học xa được xã cấp cho xe đạp. Từ ngày có xe đạp, Hóa ngủ thêm một tiếng đồng hồ mỗi sáng, 3h mới phải dậy chuẩn bị lên đường.

Đường đến trường xa quá, người lớn chạy xe máy đã mất gần 45 phút, vậy mà những đứa trẻ cùng lứa với Hóa một ngày đi hai bận, 4h sáng đi, 12h trưa về. 30 km cả đi lẫn về, tính tròn một tháng, những đứa trẻ ở đây di chuyển quãng đường bằng từ Hà Giang đến Huế. Đó là một thử thách không nhỏ đối với mong muốn đi học của lũ trẻ. Nhiều đứa vì nản đã nghỉ học.

Thu nhập trung bình của mỗi hộ tại đây khoảng 60 triệu đồng một năm, nếu trúng mùa. Số tiền đó, gia đình phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ cho con đi học. Đầu năm nay, dù được giảm 70% vì có giấy hộ nghèo, anh Phình phải đóng học phí cho 5 con gái 8 triệu đồng.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Bé Nái 13 tuổi, bố mẹ thấy học tốn tiền, mà nhà thì không có người làm nên để em ở nhà phụ việc. Em ngừng học từ hồi vào lớp 6.

Ba năm nay, cả buôn H’Mông chỉ có 5 em được tiếp tục học lên cấp ba, hai em khác đi học nghề, số còn lại đều nghỉ giữa chừng.

“Tỷ lệ các em buôn H’Mông được đi học tiếp thấp lắm, tốt nghiệp cấp hai mỗi năm phải gần 15 em, mà 3 năm chỉ có 5 em được học tiếp. Nghĩa là tỷ lệ chỉ xấp xỉ 10%” - thầy Nguyễn Văn Quang, Phó hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ, nói.

Cả 5 chị em nhà Hương với Hóa đều được bố động viên đi học. “Ngày xưa ở Hà Giang, 2h đi từ nhà xuống chợ phải 14h mới tới, mình không có tiền đi học, đâu có biết chữ. Bây giờ đỡ hơn, mình muốn con đi học lắm. Nó còn học là mình còn lo cho nó học”, anh Phình nói.

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui

Góc học tập của chị em nhà Hương và bé Vi.

Bé Vi (con gái anh Mười) vừa lên lớp 2. Mỗi tối, em học bài dưới ánh điện chập chờn của bóng đèn duy nhất trong nhà. Bàn học là cái loa cũ bị hư được bố xin về. Vi học lớp 2 nhưng nói tiếng Kinh không rõ, đọc bài cũng phải đánh vần từng chữ.

Nhà anh Phình chỉ có một gian duy nhất, góc học tập của 5 chị em nhà Hương Hóa là nền đất ngay cạnh chỗ ngủ. Tối về, cả lũ bày sách vở, cứ thế nằm dài ra đất bảo nhau học. Hương là một trong số hiếm hoi những đứa trẻ ở buôn Trong học khá. Mấy năm liền, cô bé đều được giấy khen.

Sắp tới, đất canh tác của dân buôn Trong sẽ được xã Ea Kiết đo đạc và cấp giấy đỏ nông nghiệp. Những cây cầu phao tạm bợ sẽ được thay bằng cầu bê tông chắc chắn hơn, dù kế hoạch làm đường còn đang chờ phê duyệt.

Quãng đường đi học của Hương và Hóa vẫn còn xa, nhưng ít ra các em đã bớt đi một nỗi lo ngày mưa trôi cầu. Hương bây giờ chỉ mong bố sẽ chuyển ra buôn Ngoài, để nhà có hộ khẩu và em không còn ám ảnh chuyện không được lên cấp ba.

Ở buôn H’Mông, mọi người rất thích hát, hay hát nhất là bọn trẻ con. Đi học về, cả bọn cứ thả cặp sách ở nhà rồi chạy ra gốc cây, cả trai cả gái túm tụm hát hò. Không phải đứa nào cũng hát rành rẽ tiếng Kinh, câu hát duy nhất bọn trẻ cùng thuộc và vang lên mỗi buổi chiều là “Hôm nay, em đi đến trường/Từng ánh mắt vui bên thầy cô…”

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui
hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui Chuyện cổ tích các thầy cô vào tận làng để ‘cướp học trò’

Bị người thân học trò xua đuổi, mắng là 'đồ mặt dày', thầy cô giáo huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi vẫn kiên trì ...

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui Chênh chao bè nứa qua sông tìm con chữ

Nhiều năm qua, các em học sinh xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) phải qua sông trên chiếc bè nứa mong manh để ...

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui Xót xa bữa ăn toàn rau chấm muối trên hành trình tìm 'con chữ' của học sinh Tây Nguyên

Nói là bữa cơm nhưng thức ăn của các em học sinh nơi đây chỉ toàn cơm trắng với rau, có khi vài tháng mới ...

hanh trinh tim chu giua dem cua lu tre tren dinh nui Câu chuyện về em bé Vàng A Lý đi tìm con chữ lấy nước mắt khán giả

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý- dân tộc La Chí ở thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng gian nan đi tìm con chữ ...

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.