Hãy nghe xem giáo sư nói gì, thay vì cúi xuống nhìn xem ăn mặc ra sao

Một vị giáo sư đại học vừa trở thành tâm điểm để dư luận ầm ĩ bàn tán vì đã mặc áo vest kết hợp với quần sooc khi đứng giảng bài cho sinh viên. Đó là GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường đại học (ĐH) Hoa Sen.
hay nghe xem giao su noi gi thay vi cui xuong nhin xem an mac ra sao
Hình ảnh vị Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen mặc quần đùi giảng dạy lan tỏa trên mạng gây tranh cãi mấy ngày qua.

Nhiều người đã lên án gay gắt, cho rằng vị giáo sư ăn mặc phản cảm, thậm chí lố bịch, trái với thuần phong mỹ tục, làm xấu hình ảnh tôn nghiêm của người thầy dưới mái trường.

Theo chia sẻ của vị giáo sư, hình ảnh ấy xuất hiện ngày 22/4, ghi cảnh ông đang dạy sinh viên cách phát triển sáng tạo.

Phải nói rằng, sáng tạo là một điểm yếu cố hữu của hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam. Và nguyên nhân chủ yếu là do cách dạy của chúng ta từ trước tới nay quá nặng về “thầy đọc-trò chép”.

Là người có kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy ở một trường ĐH được đánh giá hàng đầu về sự sáng tạo của Mỹ, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã muốn thay đổi điều đó khi lên lớp.

Ông đã ra đề cho sinh viên của mình rằng: Các bạn sẽ làm gì với một bộ quần áo? Sau đó, ông cho sinh viên thời gian một phút suy nghĩ rồi đi ra ngoài.

Khi trở lại, ông xuất hiện trong một bộ trang phục hoàn toàn khác, khiến toàn bộ sinh viên không hề ngờ tới, đó là chiếc áo vest kết hợp với quần sooc.

Từ thực tế trực quan đó, ông đã giúp cho sinh viên hiểu rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì chính bản thân mỗi người phải gỡ bỏ mọi rào cản, định kiến hay những vướng mắc ngay trong chính tư tưởng.

Khi trong tư tưởng không có một giới hạn nào cả, lúc đó mới đẩy được giới hạn trong thực tế, vượt qua mọi giới hạn thực tế thì mới có một ý tưởng đột phá, một sản phẩm đột phá mà nhiều người không nghĩ ra được.

Một điều nữa mà ông muốn truyền tải cho sinh viên, đó là, muốn sáng tạo thì phải có cảm giác thoải mái, không gian thoải mái chứ không thể gò bó.

Sự sáng tạo phải thật sự mới lạ, khác với suy nghĩ của nhiều người, vượt qua những cách nghĩ truyền thống, đôi khi, nó chấp nhận dư luận xã hội đánh giá là “gàn dở”. Nếu không có sự “gàn dở” ấy, chắc chắn sẽ không có những sự sáng tạo làm thay đổi suy nghĩ truyền thống của con người.

Đó là lý giải của Giáo sư Trương Nguyện Thành. Sự lý giải đó có làm thỏa mãn, hài lòng dư luận hay không thật khó lòng mà đoán định.

Nhưng, cá nhân tôi hoàn toàn tin vào lý giải ấy bởi vì, theo tôi được biết, ông là một người thầy giỏi thực sự. Đây chính là điều quan trọng nhất.

Là giáo sư của Đại học Utah (Mỹ) nổi tiếng hàng đầu về sự sáng tạo, sau đó, nhờ tài năng của mình, ông đã được mời về nước để thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TPHCM vào năm 2007. Và sau đó, ông được mời đảm trách chức vụ Phó Hiệu trưởng điều hành trường ĐH Hoa Sen.

Cách ông nói về sự sáng tạo cũng hoàn toàn thuyết phục được tôi, bởi, theo như tôi được biết, rất nhiều những vĩ nhân trên thế giới đã thành công nhờ dám vượt qua, phá bỏ các rào cản của cách nghĩ thông thường.

Có thống kê cho biết, trung bình ở Mỹ có tới 1,3 triệu học sinh bỏ học từ bậc phổ thông mỗi năm. Vậy nhưng họ lại là quốc gia có những tỷ phú giàu nhất thế giới.

Và trên thực tế, nước Mỹ có tới 9 tỉ phú chưa từng học hết cấp 3. Hầu hết họ đều bỏ học giữa chừng và lập nghiệp từ khi còn rất trẻ.

Ngay cả khi đã thi đỗ và được học tại trường ĐH danh giá bậc nhất thế giới là ĐH Havard, nhưng 4 tỉ phú hàng đầu của nhân loại đến thời điểm này lại bỏ học giữa chừng.

Trong đó, có những cái tên mà chỉ cần nhắc đến thôi chúng ta phải trầm trồ thán phục như: Bill Gates, Mark Zuckerberg, Dustin Moskovitz…

Có thể tếu táo một chút để hỏi ngược lại rằng: Liệu không có sự phá cách, sáng tạo trong quan điểm, suy nghĩ, hành động, cứ mải mê với cách thức truyền thống là theo học trường ĐH đáng mơ ước ấy, rồi tốt nghiệp, đi làm, liệu những chàng sinh viên kia có trở thành những cái tên lừng lẫy như ngày nay không?

Quay trở lại câu chuyện, có thể thấy, nhiều người lên án, phê phán gay gắt, dùng những từ ngữ xúc phạm nặng nề giáo sư chỉ vì nhìn một bức ảnh đăng trên mạng, với những dòng chú thích chung chung, mà chưa hiểu hoàn cảnh ra đời của nó.

Họ là người ngoài cuộc nhưng lại vội vàng phán xét trong khi, lẽ ra, cái đó nên được dành cho các bạn sinh viên.

Được biết, chính các sinh viên đều cảm thấy thích thú với cách giảng bài này và còn bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục được học thầy nhiều hơn nữa.

Một số ý kiến khác còn cố áp đặt rằng, dù có lấy lý do là môn học về sáng tạo thì cách phối hợp áo vest với quần sooc vẫn là kệch cỡm. Điều đó chứng tỏ họ đang nhầm lẫn rằng đây là một bài giảng về mỹ học hay thời trang công sở.

Họ không hiểu, sự sáng tạo trong kinh doanh khác hẳn với những quan điểm về sáng tạo trong thời trang, mỹ thuật.

Hầu hết những người lên án, phê phán gay gắt lại không được nghe giảng, không hiểu thông điệp của bài học, nên chỉ đơn thuần phản bác bức ảnh ấy theo kiểu “thầy bói xem voi”.

Một điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là chính những áp lực, quan điểm cũ kỹ đè nặng lên vai các nhà làm giáo dục từ bao đời đã kìm hãm, giết chết sự sáng tạo trong giảng dạy, truyền thụ của không ít thầy, cô giáo tâm huyết, cá tính.

Người ta vốn quen và vẫn luôn nặng nề, gò ép các thầy cô giáo vào một chuẩn mực tồn tại cách đây từ giữa thế kỷ trước với mô tuýp kinh điển kiểu: thầy giáo là phải mặc quần âu, áo sơ mi “đóng thùng”, đi giày Tây hoặc dép quai hậu khi lên lớp, không được phép vận quần bò, áo phông, mang giày bệt.

Hoặc cứ cô giáo khi lên bục giảng là phải tóc đen, buộc gọn, búi cao, quần áo phải có cúc, có cổ chân phương, kín đáo.

Nhiều khi, họ coi trọng cái khuôn mẫu bên ngoài đó hơn cả phương pháp, năng lực sư phạm, cách tổ chức bài giảng của giáo viên. Nhìn một cách khách quan, với những bộ quần áo “đồng phục” về kiểu dáng, thống nhất về phong cách ấy, sao có thể đòi hỏi những sự phá cách, đột phá, sáng tạo trong việc dạy và học.

Thầy cô lúc nào cũng bị dập khuôn ngay từ bộ trang phục, làm sao có thể khiến học sinh thoải mái, thông thoáng trong tư duy, cởi mở trong nhận thức, phản biện để phối hợp cùng thầy cô tạo nên một tiết học sôi động, lý thú, bổ ích, hiệu quả.

Nghe cách giảng bài và những lý giải của Giáo sư Trương Nguyện Thành, bản thân tôi cũng cảm thấy thú vị, bị thuyết phục mạnh mẽ. Cá nhân tôi tin rằng, sự phá cách mạnh mẽ ấy của giáo sư sẽ tạo ra sự thay đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo của các học viên được thầy trực tiếp truyền thụ, lên lớp.

Trong số những học trò ấy, tại sao chúng ta không thể lạc quan mà tin tưởng rằng, sau này sẽ xuất hiện những doanh nhân kiệt xuất, những Bill Gate của Việt Nam.

Điều muốn nói cuối cùng, theo tôi, để nâng cao chất lượng giảng dạy, để có những thế hệ tương lai sáng tạo thực sự, chúng ta hãy chú ý nghe xem khi lên lớp thầy cô nói gì, thay vì dùng đôi mắt sắc lạnh lướt những cái nhìn dò xét xem cách họ ăn mặc có hợp tông, đúng thuần phong mỹ tục hay không.

hay nghe xem giao su noi gi thay vi cui xuong nhin xem an mac ra sao Nếu được chọn, tôi cũng mong sẽ không còn xe máy!

Mấy ngày qua, dư luận lại một lần nữa xôn xao khi báo chí đăng tải ý kiến của PGS, TS Phạm Xuân Mai (nguyên ...

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.