Hé lộ hình hài cầu Thượng Cát 6 làn xe dự kiến khởi công cuối năm nay

Dự án cầu Thượng Cát và đường dẫn đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 5,4 km, độ rộng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Hà Nội dự kiến khởi công dự án này vào quý IV năm nay, đưa vào vận hành vào năm 2028.

Vị trí xây dựng cầu Thượng Cát vượt sông Hồng hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Cầu xây độc lập với đường sắt đô thị số 7

Bộ TN&MT vừa có văn bản liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.

Theo đó, dự án có quy mô đường trục chính đô thị đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội tại Nghị quyết ngày 8/12/2023, phạm vi đầu tư tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu khoảng 5,4 km, chia thành hai nhóm dự án và ba dự án thành phần.

 Vị trí xây dựng dự án cầu Thượng Cát. (Ảnh chụp từ văn bản).

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội (chủ dự án), dự án này có điểm đầu nằm tại Km3+505 - đường Kỳ Vũ, (điểm cuối đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc Lộ 32); điểm cuối nằm tại Km8+900, giao cắt QL 23B tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng chiều dài của dự án này khoảng 5,4 km.

Mục tiêu của dự án đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến vành đai 3,5 từ phía nam lên phía bắc Sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía tây, tây nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam Sông Hồng; góp phần kết nối liên thông với các tuyến đường khung quan trọng của Thủ đô.

 Vị trí dự án thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh. (Ảnh chụp từ văn bản).

Về hiện trạng sử dụng đất, qua khảo sát, tại các vị trí thi công cầu, cống trên tuyến từ thượng lưu và hạ lưu của vị trí giao cắt 2 km không có các trạm bơm nước cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt.

Nguồn nước mặt dọc tuyến chủ yếu sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp. Dự án không sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên; không chiếm dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Dự án không sử dụng đất, đất có mặt nước của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng theo pháp luật về di sản văn hóa.

Phương pháp kết cấu cầu chính dự kiến là cầu Extradosed (được xác định chính thức sau khi phương án thi tuyển kiến trúc được phê duyệt). Đường sắt đô thị số 7 đi độc lập với cầu đường bộ Thượng Cát về phía thượng lưu.

Khởi công vào quý IV năm nay, vận hành vào năm 2028

Về quy mô dự án, tốc độ thiết kế của tuyến đường khoảng 80 km/h. Đối với phạm vi đường đầu cầu Nam Thượng Cát, bề rộng nền đường 60 m. Trong đó, đường dẫn cầu có 6 làn xe cơ giới đường chính rộng 22,5 m; hai làn thô sơ rộng 6 m; một dải phân cách giữa 0,5 m; hai dải an toàn 1 m; lan can tường chắn 1 m.

Đường song hành có hai dải phân cách bên rộng 1 m; hai làn xe hỗn hợp và thô sơ 12 m; hai vỉa hè rộng 10 m.

Đường dẫn cầu có bề rộng nền đường 45 m. Trong đó, 6 làn xe cơ giới đường chính 22,5 m; hai làn thô sơ 6 m; một dải phân cách giữa 0,5 m; hai dải an toàn 1 m; lan can tường chắn 1 m. Đường song hành có hai dải phân cách bên rộng 1 m; hai làn xe hỗn hợp và thô sơ rộng 12 m; hai lề đường rộng 1 m.

Phạm vi cầu Thượng Cát có bề rộng cầu 35 m. Trong đó, 6 làn xe cơ giới đường chính 22,5 m; một dải phân cách giữa rộng 0,5 m; hai dải an toàn trong rộng 1 m; hai làn xe hỗn hợp 6 m; lan can rộng 1 m và neo dây văng rộng 4 m.

Bên cạnh đó, theo nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, số làn xe trên cầu trong giai đoạn 2040 cần 6 làn xe, năm 2050 cần 8 làn xe. 

Song để hạn chế việc mở rộng cầu trong giai đoạn sau (khó khăn trong thi công), chủ dự án cũng kiến nghị xây dựng hoàn thiện bề rộng mặt cắt ngang cầu cho giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe (6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp).

Dự án thành phần 2 cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư 7.371 tỷ đồng. Dử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Về tiến độ thực hiện dự án, theo chủ đầu tư, dự kiến Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu được khởi công vào quý IV/2024 và vận hành năm 2028 sau 4 năm thi công.

Loạt cầu, hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy 

 Cầu Chương Dương vượt sông Hồng hiện nay. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân).

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội, thành phố sẽ xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó có 6 cầu đã xây dựng gồm Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng.

Xây dựng mới các cầu, hầm gồm Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - QL 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh), cầu Việt Trì - Ba Vì kết nối QL 32 với QL 32C thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng (cầu Đuống dùng chung cho đường sắt và đường bộ, cầu Phù Đổng 1 và cầu Phù Đổng 2 trên đường vành đai 3, cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài).

4 cầu xây dựng mới gồm cầu Đuống mới (cầu đường bộ), cầu Giang Biên trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên sang Ninh Hiệp, cầu Mai Lâm (trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên đến trục trung tâm Cổ Loa), cầu Ngọc Thụy (trên tuyến đường dọc đê tả sông Hồng).

Các cầu qua sông Đà gồm cầu Trung Hà hiện có, cầu Trung Hà mới trên tuyến cao tốc phía Tây, cầu Đồng Quang.

Xây dựng các cầu qua sông Đáy gồm cầu Thanh Đa (Trục Tây Thăng Long), cầu Phùng (QL 32), cầu Sông Đáy (Đại Lộ Thăng Long), cầu Mai Lĩnh (Quốc lộ 6), cầu Đồng Hoàng (Trục Hà Đông - Xuân Mai), cầu Hoàng Thanh (trục huyện Thanh Oai), cầu Mỹ Hòa (nối Mỹ Đức - Ứng Hòa).

Cầu Hòa Viên (nối Ứng Hòa - Chương Mỹ), cầu Sông Đáy (đường Đỗ Xá - Quan Sơn), cầu trên đường cao tốc Tây Bắc - QL 5... Quy mô các cầu phù hợp với hệ thống phân lũ sông Đáy.