Heineken được duyệt quy hoạch nhà máy bia công suất 1,6 tỷ lít/năm tại Vũng Tàu

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của nhà máy bia Heinken Việt Nam nâng công suất của nhà máy này sẽ tăng thêm 500 triệu lít/năm lên 1,6 tỷ lít/năm với  tổng vốn đầu tư 540 triệu USD.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhà máy bia của Heineken Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.

Theo quy hoạch, dự án nhà máy bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu của Heineken Việt Nam có tổng diện tích hơn 39,3ha, bao gồm các chức năng chính như: Khu hành chính, dịch vụ; Khu nhà máy, kho tàng; Khu hạ tầng kỹ thuật; cây xanh; giao thông, sân bãi.

Đáng chú ý, công suất của nhà máy này sẽ tăng thêm 500 triệu lít/năm từ 1,1 tỷ lít/năm lên 1,6 tỷ lít/năm với tổng vốn đầu tư 12.585 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD.

Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhà máy bia của Heineken Việt Nam tại Bà Ria - Vũng Tàu đã phân định rõ các chỉ tiêu sử dụng đất theo các hạng mục công trình về diện tích, tầng cao, chiều cao, tổng diện tích sàn, và hệ số sử dụng đất.

Theo đó, mật độ xây dựng gộp toàn dự án là 44,1%, còn lại các quy định khác về hệ số đất, mật độ xây dựng, khoảng lùi.... của từng lô đất được quy định cụ thể trong bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất và quy định quản lý ban hành kèm theo đồ án, bảo đảm phải phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Nhà máy Heineken tại Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Heineken Vietnam).

Dự án nhà máy có quy mô gần 40 hecta của Heineken tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là nhà máy lớn nhất của hãng tại Đông Nam Á.

Năm 2022, Heineken khánh thành nhà máy bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô lên tới 40 ha. Nhà máy Heineken tại Bà Rịa - Vũng Tàu được phát triển dựa trên nhà máy mua lại từ Carlsberg Việt Nam từ năm 2016 với công suất nhà máy này lên 36 lần, từ 30 triệu lít/năm lên mức 1,1 tỷ lít/ năm, vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.

Hiện tại, nhà máy được Heineken đầu tư gần 400 triệu USD (9.000 tỷ đồng) với diện tích khoảng 40 ha, sử dụng dây chuyền tự động hoàn toàn nên tổng số nhân sự của toàn nhà máy chỉ có hơn 200 người. Sau khi đầu tư thêm để nâng công suất lên 1,6 tỷ lít/năm, Heineken dự kiến số lượng lao động sẽ tăng lên 300 người.

Dự án đầu tư mở rộng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu phù hợp với định hướng của Heinken khi ông Dolf van den Brink, Tổng giám đốc Tập đoàn Heineken toàn cầu từng cho biết đây là thị trường tiềm năng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiện thuộc top 5 thị trường chiến lược của doanh nghiệp này trên toàn thế giới.

Nhấn mạnh tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối năm 2022, ông Dolf van den Brink cho biết khoản đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD và trong vòng 10 năm tới, dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD.

Heineken tạm đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam

Dù vậy, để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô, Heineken cho biết cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động  hiện hữu và duy trì hoạt động kinh doanh cùng chuỗi giá trị.

Mới đây, Heineken Việt Nam đã chính thức tạm dừng hoạt động của Nhà máy bia Heineken Quảng Nam từ cuối tháng 6/2024. Thông tin này ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận bởi các năm trước nhà máy Heineken tại Quảng Nam đóng góp đến 1.000 - 1.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Nghị định 100, doanh thu của nhà máy giảm xuống khiến giá trị nộp ngân sách giảm nhưng vẫn ở mức 500 - 600 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về quyết định này, đại diện Heineken cho biết việc tạm đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam phù hợp với tham vọng và trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất bằng việc tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô.

Đến nay, Heineken đã đầu tư hơn 1 tỷ EUR tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp tương đương 1,04% GDP  quốc gia. Đây cũng là doanh nghiệp luôn nằm trong top những doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.