Heo Thái Lan vừa tới cửa khẩu đã gặp 'sự cố'

Lô heo Thái Lan đầu tiên đưa về khu vực các tỉnh phía Nam đã gặp sự cố nhập nhèm heo giống – heo thịt.

Ngày 14/6, một lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN-PTNT) xác nhận với Báo Người Lao Động, lô heo Thái Lan đầu tiên do Công ty Thùy Dương Phát (Đồng Nai) nhập khẩu có số lượng về thực tế chỉ 317 con heo giống, thay vì 500 con như đăng kí. Số heo còn lại đã bị "trục trặc" ở cửa khẩu nên không được nhập khẩu vào Việt Nam, mà phải quay về nơi xuất phát.

Heo Thái Lan vừa tới cửa khẩu đã gặp sự cố - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2, từ trái qua, mặc áo bảo hộ màu trắng) giám sát lô heo giống của Công ty Thùy Dương Phát nhập trại tại Đồng Nai khuya 12/6. (Ảnh: An Na).

Nguồn tin trên cho biết cơ quan hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) phát hiện lô hàng 500 con heo giống trên giấy phép nhập khẩu có lẫn heo thịt, nên lô hàng đã không được thông quan toàn bộ.

Cùng ngày, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Công ty Thùy Dương Phát cho biết do lần đầu nhập khẩu nên đã để xảy ra "sự cố". 

"Nếu công ty sai phạm sẽ bị xử lí theo pháp luật. Hiện lô heo của công ty đang trong thời gian cách li theo quy định", đại diện doanh nghiệp này trả lời ngắn gọn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Thùy Dương Phát đã đăng kí nhập khẩu 120.000 con heo sống từ Thái Lan, với mục đích giết mổ trong thời gian từ khi cho phép đến hết tháng 8/2020.

Trước đó, một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội đã nhập khẩu 4.000 con heo Thái Lan, với mục đích làm giống, đưa về cách li tại trang trại ở Hà Tĩnh rất suôn sẻ.

Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống từ lâu nhưng với mục đích làm giống. Từ ngày 12/6. Việt Nam mới lần đầu cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan để nuôi/giết mổ dùng làm thực phẩm.

Theo một chuyên gia về chăn nuôi, việc để lẫn heo thịt vào lô heo giống không giúp nhà nhập khẩu có lời hơn, nên họ sẽ không có động cơ gian lận. 

Cụ thể, cả heo thịt và heo giống đều được miễn thuế nhập khẩu. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, heo giống phải cách li kiểm dịch từ 30-45 ngày trong khi heo thịt chỉ phải cách tối đa 5 ngày. Do đó, nếu doanh nghiệp nhập khẩu heo thịt dưới danh nghĩa heo giống, heo sẽ phải chịu cách li 30-45 ngày, tốn nhiều chi phí. Sau đó phải làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng để bán thịt sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với việc nhập heo thịt, chỉ sau 5 ngày có thể xuất bán để thu tiền. 

Về giá cả, thông thường heo giống sẽ cao hơn heo thịt từ 2,5-3 triệu đồng/con.

Tăng cường chặn heo nhập lậu

Bộ NN-PTNT ngày 13/6 đã có công văn hỏa tốc gửi thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) và UBND các tỉnh thành về tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo qua biên giới.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y và phản ánh của truyền thông, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, nhất là biên giới Lào, Campuchia... Hiện tượng trên làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi từ các nước vào Việt Nam.

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.