Hiện trạng cao tốc giúp từ Sài Gòn đi Nha Trang còn hơn 4 giờ

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài gần 80 km khi hoàn thành rút ngắn thời gian từ Sài Gòn đi Nha Trang còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1, sẽ thông xe kỹ thuật ngày 30/12.

 

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó, Tập đoàn Đèo Cả thi công ở đoạn phía nam hơn 41 km; Công ty 194 thi công đoạn phía bắc dài hơn 37 km.

Tuyến cao tốc xuyên qua địa hình có nhiều đồi núi, sông, hồ nên gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công.

 

 

Do địa hình đặc thù, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thiết kế xuyên qua dãy núi Vung dài 2,2 km tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tiếp giáp Bình Thuận. Đây là hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc Bắc - Nam, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Hầm này được Tập đoàn Đèo Cả đào thông hai nhánh từ tháng 8/2023. Tại nhánh hầm trái (tính từ phía nam ra), công tác đào đạt 100%, bêtông vỏ hầm đạt 95% và bêtông mặt đường đạt hơn 65%, dự kiến làm xong trước 30/3/2024.

 

 

Các nhân công đang hàn cắt thi công mặt đường bêtông trong hầm Núi Vung.

Hai đường hầm được thiết kế chạy song song, mỗi hầm rộng 14 m. Hầm bên trái của dự án (tính từ phía nam ra) phục vụ giai đoạn 1. Hầm bên phải để dành cho phần mở rộng cao tốc ở giai đoạn 2.

 

 

Công nhân lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong hầm.

Kỹ sư Võ Khắc Khôi, chuyên viên Ban quản lý dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, phụ trách hầm Núi Vung, cho biết hàng trăm nhân công trên công trường này đang tăng tốc thi công 3 ca cả ngày lẫn đêm, để kịp khối lượng công việc.

 

Trên đoạn cao tốc do Đèo Cả thực hiện có 21 cầu, với tổng chiều dài gần 4 km, đến nay đều đã hoàn thành. Trong ảnh là cầu bắc qua địa hình núi rừng ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. 

 

Xe cẩu và nhân công lắp đặt dải phân cách cứng trên đoạn đường đã hoàn thành ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, hôm 20/12.


 

Tại đoạn ranh giới hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, nhiều nhóm nhân công lắp đặt tấm chống lóa trên dải phân cách.

Đại diện nhà thầu cho biết tiến độ lắp đặt đạt khoảng 95%, gồm dải phân cách giữa, hộ lan mềm, lưới chống chói, hàng rào thép gai, hàng rào B40.

 

 

Nút giao giữa quốc lộ 27 và cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản hoàn thành.

Ông Vũ Văn Tú, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo phụ trách đoạn do Đèo Cả thi công cho biết, đến nay hạng mục cầu đường đã đạt 99%, hoàn thành tuyến chính trước 30/12/2023, phần hầm đạt 88%.

Cũng theo ông Tú, đơn vị phấn đấu hoàn thành phần hầm Núi Vung và công trình phụ trợ để đưa vào sử dụng 30/4/2024, đảm bảo theo đúng hợp đồng đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải.

 

 Ở đoạn tuyến phía bắc do Công ty 194 thi công, các hạng mục cầu đường cũng đã đạt hơn 90% khối lượng. Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống biển báo an toàn giao thông, hộ lan... Hình dáng tuyến cao tốc hiện đại qua tỉnh Ninh Thuận đang dần lộ diện. 

 

Đoạn qua huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) gần ranh giới tỉnh Khánh Hòa cũng đã trải xong lớp nhựa nóng cuối cùng, chuẩn bị kẻ làn đường, lắp đặt dải phân cách và hạng mục phụ trợ.

 

Nhóm công nhân đội mưa, lắp đặt hộ lan an toàn giao thông ven cao tốc đoạn qua huyện Thuận Bắc. "Anh em chúng tôi phải tranh thủ làm cho kịp việc, dù trời mưa gió", anh Ngọc Vương (trái) nói.

 

Công trường đồi A1 tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là đoạn khó khăn nhất của tuyến này do địa chất có nhiều đá cứng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo phụ trách đoạn do Công ty 194 thi công, cho biết công trường có hơn 600 công nhân, 350 máy móc, làm việc cả ngày đêm để kịp thông xe kỹ thuật ngày 30/12.

 

Hướng tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Theo thiết kế, cao tốc có nền đường rộng 17 m, 4 làn xe không làn dừng khẩn cấp, mà có các dải dừng khẩn cấp dọc đường, vận tốc 80 km/h. Công trình dự kiến đưa vào khai thác dịp 30/4/2024.

Sau khi hoàn thành, tuyến này kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ở phía bắc và cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở phía nam. Xe từ Sài Gòn ra Nha Trang có thể chạy thẳng một mạch trên cao tốc trong thời gian 4-5 giờ thay vì 8-9 giờ như trước.