Tối 30/1 (25 Tết), đoàn công tác của UBND TP HCM do ông Phạm Thành Kiên, Uỷ viên UBND TP HCM, Giám đốc Sở Công Thương dẫn đầu, đã khảo sát, thăm và làm việc tại chợ đầu mối Thủ Đức.
Báo cáo với đoàn làm việc, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức), cho biết lượng hàng hóa về chợ đã tăng mạnh từ đêm 24 và kéo dài đến 28 tháng Chạp. Dự kiến trong những ngày cao điểm của tháng chạp, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần. Cụ thể ngày 24 khoảng 5.000 tấn, ngày 25 khoảng 5.500 tấn, ngày 26 khoảng 6.000 tấn, ngày 27 khoảng 7.000, ngày 28 khoảng 6.700.
Lượng hàng nhập chợ trong ngày cao điểm 27 tháng Chạp nhiều khả năng giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước (năm trước có lúc lên đến 7.247 tấn).
Cũng theo ông Nhu, một số loại trái cây chủ lực phục vụ Tết Nguyên đán như xoài, mãng cầu, quýt, bưởi, thanh long... năm nay dự kiến sản lượng có khả năng giảm do thời tiết thất thường, mưa bão nhiều ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất do sâu bệnh gia tăng.
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên khảo sát thực tế trong nhà lồng chợ và trao đổi với bà con tiểu thương tối 25 Tết. |
Dự kiến các ngày cao điểm Tết mặt hàng bưởi có thể đạt 300 tấn/ngày (cao điểm năm trước là 312 tấn/ngày); xoài 350 tấn đến 400 tấn/ngày (cao điểm năm trước là 450 tấn/ngày); quýt từ 500 tấn đến 600 tấn/ngày (cao điểm năm trước là 612 tấn/ngày); mãng cầu từ 500 tấn đến 550 tấn/ngày (cao điểm năm trước là 591 tấn/ngày); thanh long dao động từ 280 tấn đến 300 tấn/ngày (cao điểm năm trước 354 tấn/ngày).
Trong khi đó, các mặt hàng rau chủ lực phục vụ Tết nguyên đán dự kiến sản lượng nhập chợ tăng vào các ngày cao điểm, để đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Một số mặt hàng rau như bắp cải tròn dự kiến 400 tấn đến dưới 420 tấn/ngày (cao điểm năm trước sản lượng đạt 415 tấn/ngày); cà rốt 290 tấn - 300 tấn/ngày (cao điểm năm trước là 288 tấn/ngày); khoai tây 80 – 90 tấn/ngày (cao điểm năm trước lượng đạt 80 tấn); xà lách 150 – 160 tấn/ngày (lượng cao điểm năm trước 150 tấn/ngày); cà chua 110-120 tấn/ngày (lượng cao điểm năm trước là 110 tấn/ngày)…
Giá nhiều loại trái cây được dự báo sẽ rẻ hơn so với Tết năm ngoái.
Chẳng hạn, bưởi da xanh loại có cành dự kiến 73.000 đồng/kg (giảm 7.000 đồng/kg), bưởi 5 roi 43.00 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), xoài cát Hòa Lộc 73.000 đồng/kg (giảm 17.000 đồng/kg); quýt đường 55.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg), thanh long 33.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), dưa hấu dài 13.000 đồng/kg (giảm 1.000 dồng/kg)…
Ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay nguyên nhân giá trái cây chưng Tết giảm, trong đó các loại trái cây phổ biến như bưởi, xoài, quýt đường… giảm đến 7.000-17.000 đồng/kg, là do giao dịch tại chợ đầu mối Thủ Đức đang chấp nhận mức giá đó.
"Thương lái đang chịu lỗ do mua của nhà vườn giá cao nhưng về đến chợ đầu mối phải bán giá thấp. Một số thương lái đã đặt cọc với nhà vườn chấp nhận bỏ cọc để cắt lỗ". Ông Huây giải thích và cho biết thêm thông tin là tại các nhà vườn ở miền Tây, giá trái cây tại vườn đang cao hơn giá thị trường ở chợ đầu mối là do thương lái phía Bắc và Trung Quốc vào vườn đặt cọc, thu mua giá cao.
"Mặc dù vậy, trái cây chưng cúng vẫn nhập chợ đều đặn và tăng lên mỗi ngày. Nguồn cung hiện tại rất dồi dào, không chỉ có miền Tây mà ở khu vực miền Đông cũng trồng cây ăn trái với số lượng lớn và đang rộ mùa thu hoạch Tết. Nguồn hàng rất nhiều nên khó có thể xảy ra hụt hàng, sốt giá", ông Huây nói thêm.
Một số loại trái cây đến kỳ thu hoạch, nhà vườn không thể "neo" lại mà sẽ gọi thương lái đến mua.
"Năm ngoái đã có hiện tượng quýt hồng ngày 27, 28 Tết giá 40.000 đồng/kg nhưng đến 29 Tết rớt còn 10.000 đồng/kg", ông Huây dẫn chứng.
Giá một số loại rau củ dự kiến giảm 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg so với Tết 2018. |
Một số loại rau như cải tròn, cà rốt, khoai tây, cải sậy cũng giảm 1.000-2.000 đồng/kg. Riêng khổ qua đang ở mức 22.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chợ đầu mối Thủ Đức là một trong ba chợ đầu mối lớn của thành phố. Báo cáo sơ bộ của ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức giúp đoàn kiểm tra yên tâm về lượng hàng, giá cả hàng hóa Tết, bởi 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn có sự tương đồng về nguồn hàng, giá cả…
"Nguồn hàng dồi dào, phong phú. Giá cả có loại tăng loại giảm nhưng cơ bản ổn định. Mình quản lý tốt đến mấy nhưng để xảy ra khan hiếm, dù cục bộ, cũng không hay. Tôi đề nghị Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức theo dõi sát diễn biến hàng Tết tại chợ, nếu có dấu hiệu bất thường về nguồn hàng, giá cả thì báo ngay về Sở Công Thương để phối hợp xử lý kịp thời, tránh để xáo trộn thị trường", ông Kiên yêu cầu.
Theo tính toán của Sở Công Thương TP HCM, đến ngày 30/1, tổng lượng hàng hóa nhập 3 chợ đầu mối bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản; chiếm khoảng 60 - 70% thị trường.
Dự kiến, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày trong các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp.